Vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump mất điểm ở Quốc hội?

Theo CNN, quyết định của ông Trump tiêu diệt một tướng hàng đầu của Iran mà không tham vấn Quốc hội là một mệnh lệnh hoàn toàn khác biệt, gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia.
Vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump mất điểm ở Quốc hội? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 9/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo CNN, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiêu diệt Tướng hàng đầu của Iran Qasem Soleimani và nguy cơ làm bùng phát chiến tranh mà không tham vấn nghị sỹ nào đã khiến đảng Cộng hòa của ông "phát điên lên," ngay cả những đồng minh thân cận của ông Trump cũng phải lên tiếng kiềm chế việc ông Trump sử dụng quyền lực của mình để làm tình hình căng thẳng thêm.

Việc “vượt mặt” Quốc hội Mỹ và đi ngược lại các đường lối chính sách với giới nghị sỹ vốn diễn ra “như cơm bữa” trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Điều này đã dẫn đến những sự kiện “lập kỷ lục” trong lịch sử Mỹ như chính phủ đóng cửa tạm thời lâu nhất hồi năm 2019, tiếp đến là việc ông Trump thổi bùng tranh cãi về việc gây sức ép Ukraine để điều tra các đối thủ chính trị của mình để rồi dẫn đến cuộc điều tra luận tội ông hiện nay.

Thế nhưng, quyết định của ông Trump tiêu diệt một tướng hàng đầu của Iran mà không tham vấn quốc hội là một mệnh lệnh hoàn toàn khác biệt, gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia đẩy người dân Mỹ vào nguy hiểm. Và Quốc hội, cũng như người dân, thì không hề hay biết gì về một số thông tin tình báo quan trọng nhất.

Đây là vấn đề quan trọng, vì nếu không có một mối đe dọa nguy hiểm nào sắp xảy ra với người Mỹ thì việc tiêu diệt này chuyển từ một chiến dịch chống khủng bố thành một vụ ám sát chính trị. Hiến pháp Mỹ, vốn trao quyền cho Quốc hội tuyên bố chiến tranh, đã không hình dung ra được loại quyền lực đó.

Các đại sứ quán sắp bị tấn công?

Khi mở rộng danh sách những lý do về vụ tiêu diệt tướng Iran, hôm 9/1, ông Trump nói với lực lượng cử tri ủng hộ ở Ohio rằng Soleimani đã ủ mưu đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Iraq và các địa điểm ngoại giao khác của nước này.

Trả lời phỏng vấn của Fox News một ngày sau đó, ông Trump nói rằng có 4 đại sứ quán đã bị nhắm là mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng này lại là quan chức Mỹ duy nhất đưa ra một cáo buộc cụ thể như vậy.

Các quan chức Mỹ khác, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley lại càng không hề hay biết gì về thông tin này.

Trong khi đó, giới nghị sỹ Mỹ không đề cập gì đến việc đại sứ quán bị nhắm làm mục tiêu tấn công trong các cuộc họp của họ vào tuần trước.

[Những câu chuyện đằng sau quyết định sát hại tướng Iran của Mỹ]

Trước đó, cựu Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo nói rằng thời điểm và mục tiêu chính xác của một âm mưu tấn công là điều mơ hồ. Khi được hỏi liệu có đúng là Soleimani muốn làm nổ tung đại sứ quán Mỹ ở Iraq hay không, ông Pompeo không trả lời là có, mà chỉ đề cập các cuộc biểu tình trước đó làm tê liệt đại sứ quán Mỹ.

Vậy tại sao Quốc hội không được thông báo gì?

Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng có thể giới nghị sỹ Mỹ không đáng tin cậy để được thông báo thông tin nhạy cảm nhất và rằng có những điều cần làm liên quan nguồn tin và phương pháp thu thập tin tình báo.

Theo ông Pence, một số bằng chứng thuyết phục nhất về việc Soleimani đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra đối với các lực lượng và quân nhân Mỹ lại là một số thông tin tình báo nhạy cảm nhất.

Giả sử đó là đúng là cách mà thông tin tình báo được chia sẻ thì quốc hội vẫn được cho là cần phải biết vấn đề này. Tất nhiên, không nhất thiết tất cả các nghị sỹ quốc hội được biết đến mà chỉ cần 8 nghị sỹ, hay còn gọi là “Bộ 8” - bao gồm 2 nghị sỹ hàng đầu của mỗi đảng ở cả Thượng viện và Hạ viện và 4 lãnh đạo hàng đầu của cộng đồng tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đối với quốc hội lại là tương lai của vấn đề, đặc biệt là nếu tình hình leo thang một lần nữa. Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ cho phép việc sử dụng vũ lực là hồi năm 2003, khi bỏ phiếu thông qua cuộc xâm lược Iraq.

Các hành động chống lại các nhóm khủng bố thì được thực hiện theo tinh thần cuộc bỏ phiếu năm 2001 vốn diễn ra sau vụ khủng bố 9/11. Còn lần này, đảng Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa đã bỏ phiếu ở Hạ viện để cản trở khả năng ông Trump hành động chống lại Iran.

Chắc chắn là có những lợi ích đối chọi nhau, giữa biện minh cho việc tiêu diệt một cá nhân do Chính quyền Mỹ thực hiện và bảo vệ các phương thức thu thập thông tin và nguồn tin tình báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục