Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đạt 5,64%. Trước đó, Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra mức tăng GDP quý 1 đạt 5,12% và quý 2 tăng trên 6%. Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 bùng phát (đợt 4), các chuyên gia kinh tế đánh giá kết quả đạt được là đáng ghi nhận.
Song ở bình diện khác, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại do tác động bởi dịch bệnh thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại thăng hoa, chỉ số VN-Index bứt phá với mức tăng 23,4% kể từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thị trường chứng khoán có rơi vào tình trạng bong bóng hay không?
Nhận định trái chiều
Nhìn nhận mối tương quan giữa kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng thời điểm này không lo “bong bóng” tài sản, bao gồm cả chứng khoán.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức chiều 29/6, ông Sơn nhấn mạnh việc thị trường chứng khoán tăng trưởng “nóng” trong năm 2020 và 6 tháng qua là phù hợp với “mục tiêu kép,” kiểm soát dịch bệnh (trong vòng 3-4 tháng đầu năm kiểm soát rất tốt) cũng như tăng trưởng GDP (thấp so với mục tiêu đặt ra song so với khu vực là mức tăng ấn tượng).
Bên cạnh đó, ông Sơn chỉ ra dòng vốn trên thị trường đang dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định và khá thấp.
“Tín hiệu này sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa, vì Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất cơ bản và kỳ vọng Ngân hàng trung ương Việt Nam giữ nguyên trong thời gian nữa. Với lãi suất thấp, dòng tiền tiếp tục đi vào các khu vực của thị trường, gồm cả chứng khoán,” ông Sơn nói.
Song với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán, tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu lại có cái nhìn thận trọng và khá quan ngại về việc dòng tiền đang dồi dào trên thị trường tài chính nhưng chưa thực sự đến “túi” các nhà sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hiếu, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn và nếu diễn biến này không được kiểm soát sẽ dẫn đến hình thành “bong bóng” chứng khoán và có thể gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
['GDP tăng trưởng 5,64% là mức khá so với các nước trên thế giới']
“Trong nước, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thấp, nhiều người thay vì gửi tiết kiệm đang đổ vào đầu tư chứng khoán… Thị trường chứng khoán không thực sự là hàn thử biểu phản ảnh sức khoẻ của nền kinh tế, bởi GDP năm 2020 chỉ tăng 2,91% và 6 tháng đầu năm nay tăng 5,64%. Tốc độ tăng trưởng GDP đã suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi COVID-19, nhưng VN-Index lại tăng ‘nóng’ lên mốc 1.405 điểm (ngày 28/6). Điều này gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện ‘bong bóng’ trên thị trường chứng khoán…,” ông Hiếu phân tích.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Sơn có cái nhìn khách quan hơn và cho rằng dòng vốn rẻ chưa quay lại và tập trung cho sản xuất kinh doanh nhỏ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, vàng hay bất động sản cũng có sự luân chuyển giao thoa và đây là “chuyện bình thường”.
Ông Sơn dẫn chứng dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và vẫn đang giới hạn ở tầm kiểm soát, chưa phải “nóng”. Hơn nữa, ông khẳng định dòng tiền đi ra từ ngân hàng đang được kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát.
“Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường. Mặt khác, tăng trưởng thị trường chứng khoán toàn cầu tốt, như thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng cao nhất của mọi thời đại mặc dù kinh tế nước này cũng có khó khăn do đại dịch… Tôi không nghĩ rằng thời điểm này là ‘bong bóng’ tài sản, trong đó có chứng khoán. Nhưng đây là giai đoạn mà chúng ta cần kiểm soát chặt dòng tiền, cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp,” ông Sơn lưu ý.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia-Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa tăng trưởng kinh tế với thị trường chứng khoán.
“Lâu nay, thị trường chứng khoán vẫn là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhà đầu tư đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết và đưa ra mức giá tương ứng cho cổ phiếu. Giá chứng khoán thường đi trước tăng trưởng kinh tế khoảng 4-5 tháng. Hơn nữa, chứng khoán cũng là kênh đầu tư quan trọng cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh nhiều lĩnh vực gặp khó khăn,” ông Lực nói.
Tại tọa đàm, các chuyên gia có chung mối lo ngại về việc 90%-95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn là nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, có tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính của họ tương đối cao. Do đó khi thị trường điều chỉnh, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng các nhà đầu tư sẽ có những phản ứng thái quá. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng đang “té nước theo mưa,” tranh thủ cơ hội thị trường nhằm “đánh bóng” những kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.
“Trong thời gian tới, chỉ số VN-Index có thể có điều chỉnh giảm 7%-10% sau khi đạt đỉnh trên 1.400 điểm, nhưng các nhà đầu tư cần bình tĩnh, vì đây là điều chỉnh cần thiết để thị trường lành mạnh. Các nhà đầu tư đang sống trong trạng thái đầy xúc cảm cần thông thái và điềm tĩnh khi thị trường có điều chỉnh. Không điềm tĩnh sẽ dễ thất bại,” ông Lực nói./.