Vì sao thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn với nhà đầu tư?

Hiện nay, việc chuyển tiền gửi tiết kiệm hoặc sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán đang là xu hướng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau thời điểm thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh mạnh do tác động của đợt dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2020, anh Nguyễn Thành Chung ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mở tài khoản tại một công ty chứng khoán để bắt đáy cổ phiếu.

Là một người chơi mới cộng thêm tính cẩn trọng, anh Chung lựa chọn nhóm cổ phiếu ngân hàng để đầu tư, vì tin rằng chúng có tính ổn định, nhiều khả năng tăng giá trong dài hạn và thanh khoản cao hơn so với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác.

Theo dõi sự biến động của các cổ phiếu nằm trong rổ đầu tư của mình, anh Chung cho biết quyết định đầu tư chứng khoán vào thời điểm hiện nay là khá đúng đắn.

“Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song nhiều dự báo cho thấy triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối tích cực trong thời gian tới. Thêm vào đó, đây cũng là “sân chơi” phù hợp đối với các nhà đầu tư cá nhân do có tính khoản cao và không cần có khoản tiền lớn như khi đầu tư vàng hoặc bất động sản," anh Chung cho biết.

Cách đây hơn 2 tuần, vợ chồng chị Phan Bích Ngọc ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định rút toàn bộ tiền tiết kiệm hơn 500 triệu đồng ở ngân hàng khi vừa đến hạn tất toán để mua cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo chị Ngọc, từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm, cao nhất cũng chỉ khoảng 8%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường trên 10%/năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn. Xét trên lợi thế so sánh, rõ ràng đầu tư trái phiếu có lợi hơn so với gửi tiền tiết kiệm.

Còn đối với cổ phiếu, chị Ngọc quyết định lựa chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, Hiệp định EVFTA… và một số doanh nghiệp uy tín có sự phục hồi tốt sau dịch COVID-19, vì cho rằng sẽ an toàn hơn với các nhà đầu tư mới.

[Chứng khoán tuần tới: Chờ dấu hiệu kháng cự cụ thể của thị trường]

Hiện nay, việc chuyển tiền gửi tiết kiệm hoặc sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán đang là xu hướng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường chứng khoán giảm sâu đã thu hút nhiều người chưa từng đầu tư chứng khoán mở tài khoản "bắt đáy."

Dẫn báo cáo “Asian In Focus” ngày 19/8 của Goldman Sachs, trong báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán đã tăng nhanh kể từ tháng Ba, với giá trị mua ròng tháng đạt mức cao nhất trong thập kỷ vừa qua. Sự gia tăng hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân cũng là xu hướng chung được quan sát thấy ở Mỹ và các thị trường Đông Á khác (Trung Quốc và Đài Loan) sau khi COVID-19 bùng phát.

Thanh khoản dồi dào do lãi suất gần bằng 0, hệ thống ngân hàng và nền tảng giao dịch thuận tiện góp phần vào sự bùng nổ của các hoạt động giao dịch cá nhân. Những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia khi mọi người đang tìm cách đầu tư số tiền nhàn rỗi do không thể chi cho du lịch.

Tại Việt Nam, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trung bình tháng trong 6 tháng đầu năm cao gấp đôi so với năm 2019 và tổng số tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng tăng gần gấp đôi lên 31.000 tỷ đồng (dựa trên dữ liệu của 40 công ty chứng khoán lớn nhất) trong 6 tháng.

Số tiền có sẵn để giao dịch (tiền ký quỹ + tiền gửi của khách hàng) cao gấp 17 lần giá trị giao dịch trung bình ngày của tháng 8/2020, gấp đôi so với tháng 3/2018 khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh ở mức 1,204 điểm.

Dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy chỉ riêng trong tháng 8/2020, số lượng tài khoản môi giới mở mới trong nước tăng thêm 28.300 tài khoản, tăng 4,8% so với tháng trước, đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 (15.000 - 20.000 tài khoản mỗi tháng).

Ngoài ra, theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6/2020. Việc dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh cho thấy sự “hào hứng” của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường.

“Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định, lãi suất huy động lại liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hoặc bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây," báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2020 của VDSC nhận định.

Những điểm trên cho thấy dòng tiền trong nước vẫn còn khá dồi dào và sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 lần 2 và tình hình vĩ mô trong nước ổn định, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo khá tích cực trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, thị trường vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro và sẽ có những phiên điều chỉnh nhất định. Các chuyên gia cho rằng trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư mới cần tìm hiểu kỹ thị trường và nên có sự hiểu biết về doanh nghiệp, bao gồm triển vọng ngành nghề, chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, đội ngũ quản lý...

Bên cạnh đó, cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư, kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo vệ thành quả khi cần thiết. Đồng thời, nên đa dạng danh mục đầu tư, để tránh rủi ro có thể xảy ra khi doanh nghiệp, ngành có yếu tố bất lợi…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục