Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn trong thanh toán không dùng tiền mặt?

Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, phòng ngừa gian lận, lừa đảo nhằm tăng cường lòng tin của người dùng.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian qua, thẻ tín dụng nội địa đã có tốc độ tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch. Tuy nhiên, so với quy mô dân số 100 triệu dân của Việt Nam, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành được nhận định vẫn còn vô cùng khiêm tốn.

Điểm mặt "nút thắt"

Tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức chiều ngày 21/5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết tính đến hết tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023, với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong số đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC, với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904.700 thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%.

Trong khi đó, giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị (cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận số lượng thẻ tín dụng nội địa còn vô cùng khiêm tốn so với tổng số dân.

Ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là do việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa cũng khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế.

Mặt khác, do thói quen người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Tiến sỹ Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam cũng nhận định nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là bởi các yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, chi phí cơ hội và chi phí tài chính của các tổ chức phát hành...

Gỡ bằng cách nào?

Ông Nguyễn Tấn Pháp cho rằng để thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh hơn, NAPAS cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các ngân hàng và tổ chức chuyển mạch

Ngoài ra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa sử dụng thẻ để thanh toán.

Để giải quyết các vướng mắc trong xử lý rủi ro liên quan đến các giao dịch gian lận, giả mạo trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thẻ nói riêng, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS đề xuất cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán được phép sử dụng một phần lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong thanh toán (tương tự như hoạt động cấp tín dụng).

Cần đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian tới, các ngân hàng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát hành thẻ nội địa, đặc biệt thẻ tín dụng nội địa. Tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để mở thẻ tín dụng nội địa và phối hợp cùng NAPAS để có các chương trình khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng.

"NAPAS sẽ rà soát chặt chẽ và đánh giá tiềm năng việc chấp nhận thanh toán thẻ nội địa để đẩy mạnh hơn nữa việc chấp nhận thẻ nội địa ở các đơn vị chấp nhận thanh toán, giảm bớt gánh nặng chi phí cho thị trường NAPAS," ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, mức phí chia sẻ cần hợp lý để thúc đẩy việc phát hành thẻ của tổ chức phát hành nhưng cũng cần đảm bảo mức phí chiết khấu nằm trong khoảng chấp nhận được với tổ chức thanh toán, đơn vị chấp nhận thanh toán cũng như giải quyết được vấn đề ưu tiên thanh toán tiền mặt tại các đơn vị chấp nhận thanh toán do phí chiết khấu chưa hợp lý và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho đơn vị chấp nhận thanh toán.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt

Các tổ chức tín dụnh cần triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục