Vì sao Thăng Long tứ trấn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt?

Tứ trấn thành Thăng Long không chỉ là điểm đến tâm linh đầy linh thiêng của người Hà Nội mà còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao, gắn liền với Hoàng Thành, di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Đầu năm 2022, Thành phố Hà Nội đón tin vui khi Thăng Long tứ trấn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là thông tin được nêu trong quyết định số 93/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ngày 18/1/2022 về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 12.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Khoa học lịch sử Việt Nam), tứ trấn gắn liền với Hoàng Thành Thăng Long, di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận năm 2010. Sử sách cũng ghi lại rằng các khu vực trấn Đông, Tây, Bắc khi xưa đều là những nút giao đặc biệt, là nơi giao thương vô cùng sầm uất và phát triển.

[VietnamPlus Megastory: Thăng Long tứ trấn]

Nếu đền Bạch Mã ở phía Đông thờ thần Tô Lịch, được coi là rốn rồng - tụ hội mọi sinh khí của trời đất thì Quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh) ở phía Bắc có cổng Diệu Đức, cửa nước quan trọng nhất, dẫn từ sông Tô Lịch vào trong thành. Ở phía Tây nơi đền Voi Phục thờ Linh Lang đại vương, khu vực Cầu Giấy ngày nay khi xưa cũng là trung tâm làm giấy nổi tiếng, có chợ lớn luôn tấp nập các hoạt động buôn bán. Còn ở phía Nam, nơi có đền Kim Liên thờ Cao Sơn đại vương, chính là hướng mà vua nhìn ra từ chính điện trong thành.

Nhờ có lịch sử lâu đời, sự hình thành và phát triển gắn liền với những thời điểm phồn thịnh nhất của Thăng Long như thế nên bốn di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục