Vì sao tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc trong quý 2?

Theo người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong ngắn hạn, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế vào quý 2 bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết cực đoan và thảm họa mưa lũ thường xuyên.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng caixin.com, ngày 16/7, cho biết sau một "khởi đầu tốt" trong quý 1/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2024 của Trung Quốc đã giảm tốc, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định nhu cầu trong nước yếu là lý do chính dẫn đến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết cực đoan và việc “phân tách” dữ liệu tài chính cũng đã gây ảnh hưởng ở một mức độ nhất định vào tình hình kinh tế.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 15/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2024 của Trung Quốc tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước đó, thấp hơn đáng kể so với dự báo trung bình 5,1% từ cuộc khảo sát trước đây của Caixin.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, GDP của Trung Quốc tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đã đặt ra hồi đầu năm.

Trả lời báo chí truyền thông sau khi công bố số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chia sẻ trong ngắn hạn, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế vào quý vừa qua bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết cực đoan và thảm họa mưa lũ thường xuyên. Nó đồng thời cũng phản ánh sự gia tăng của những khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh tế hiện nay, đặc biệt là vấn đề nhu cầu trong nước yếu, vòng tuần hoàn hàng hóa nội địa không được thông suốt...

Vị quan chức này khái quát hoạt động kinh tế trong quý 2/2024 của Trung Quốc là "có những dao động về tổng quan, nhưng xu thế đang tốt lên," nhấn mạnh rằng những dao động ngắn hạn sẽ không làm thay đổi xu hướng tích cực dài hạn.

Đặc điểm chính của nền kinh tế lớn nhất châu Á trong quý vừa qua là nhu cầu bên ngoài mạnh hơn trong nước và cung mạnh hơn cầu. Ngoài ra, báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu đề cập rằng những thay đổi trong phương pháp kế toán giá trị gia tăng trong ngành tài chính của nước này cũng có thể gây “nhiễu loạn” cho số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 6/2024, dữ liệu kinh tế về tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp và tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng giảm xuống lần lượt là 5,3% và 2,0% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng lũy kế của đầu tư tài sản cố định giảm xuống còn 3,9%.

Về phía sản xuất, một vài chỉ số cho thấy động lực sản xuất công nghiệp được cải thiện. Chuyên gia Xiong Yuan, nhà kinh tế trưởng của Guosheng Securities, cho biết các ngành công nghiệp như sản xuất thuốc, thực phẩm và đồ uống, máy móc và thiết bị nói chung phục hồi nhiều nhất. Điều này, theo ông Yuan, có thể liên quan đến sự bùng nổ xuất khẩu. Nhưng sản xuất hóa chất, thiết bị điện tử và ôtô giảm khá mạnh, do sự suy yếu của tiêu dùng hạ nguồn.

kinh_te_trung_quoc_ lap rap o to.jpg
Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về phía cầu, nhu cầu trong nước của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, trong đó tốc độ tăng trưởng xã hội trong tháng vừa qua giảm xuống 2,0%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023.

Chuyên gia Guo Lei, nhà kinh tế trưởng của GF Securities, cho rằng tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc yếu có tính liên tục nhất định nhưng mức thấp hàng tháng trong tháng 6/2024 cũng có thể liên quan đến tác động của thời tiết bất thường như nhiều đợt mưa lớn ở khu vực phía Nam.

Theo ước tính của một số tổ chức, đầu tư phát triển bất động sản Trung Quốc, trong tháng 6/2024, tiếp tục ghi nhận sự suy giảm lên đến 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra gói chính sách nới lỏng đối với lĩnh vực bất động sản vào tháng 5/2024, doanh số bán bất động sản đã cải thiện nhẹ trong tháng tiếp theo và sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái của các chỉ số hàng đầu đã thu hẹp ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia Guo Lei tin rằng nhìn chung, không có thay đổi đáng kể nào mang tính cơ bản trong lĩnh vực bất động sản nội địa.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm, chuyên gia Luo Zhiheng, nhà kinh tế trưởng của Guangdong Kai Securities, nhận định áp lực ổn định tăng trưởng của Trung Quốc có thể gia tăng hơn nữa.

Theo ông Zhiheng, sự bấp bênh của tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm chủ yếu ở bốn yếu tố, bao gồm: thị trường bất động sản; trái phiếu địa phương và trái phiếu kho bạc dài hạn; xung đột thương mại quốc tế và rủi ro địa chính trị; niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp.

ttxvn-kinh-te-trung-quoc-4440.jpg
Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà kinh tế trưởng của Guangdong Kai Securities kiến nghị Chính phủ Trung Quốc cần tăng cường điều tiết kinh tế trong ngắn hạn để mở rộng tổng cầu. Trong trung và dài hạn, cần thúc đẩy cải cách thể chế và huy động tính tích cực của bốn chủ thể là chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân và các nhà khoa học.

Chuyên gia Yuan tin rằng tốc độ thực hiện chính sách dự kiến sẽ tăng tốc, xuất khẩu vẫn mạnh mẽ và GDP trong quý 3/2024 có thể cải thiện nhẹ, nhưng vẫn có áp lực giảm so với cùng kỳ năm ngoái do chỉ số cơ sở cao. Tốc độ phục hồi nội sinh của người dân và doanh nghiệp vẫn khá chậm, tiêu dùng và bất động sản tiếp tục đối mặt với áp lực khá lớn, nhu cầu trong nước nói chung còn yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục