Theo trang mạng aspistrategist.org.au, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng hiện là thời điểm thích hợp để cài đặt lại mối quan hệ với Nga. Vì vậy, ông đã đặt ưu tiên ngoại giao cho việc khôi phục lòng tin giữa Paris và Moskva.
Có nhiều lý do khiến ông Macron hành động như vậy.
Thứ nhất, bối cảnh chiến lược quốc tế đã thay đổi đáng kể. Trung Quốc đang lớn mạnh, trong khi Mỹ - mặc dù vẫn là cường quốc chi phối thế giới - đang tự rũ bỏ trách nhiệm của mình trên toàn cầu. Và Nga - với sự già hóa, sụt giảm dân số và một vùng đất rộng lớn, hầu như bỏ không - là "miếng mồi" tự nhiên cho những tham vọng dài hạn của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo châu Âu không nên chỉ thụ động đứng nhìn Nga - nước đang không còn sự lựa chọn nào khác - liên kết với Trung Quốc. Thay vào đó, họ nên nỗ lực thuyết phục Moskva rằng tương lai của Nga là đồng hành cùng châu Âu, chứ không phải trở thành một đối tác của Trung Quốc. Số phận của Nga nằm ở phương Tây, chứ không phải ở phương Đông.
Hơn thế nữa, mặc dù Nga hiện nay không phải là đối thủ của Trung Quốc, song Moskva lâu nay vẫn là một nhân tố quan trọng trên toàn cầu. Nhiều cuộc xung đột hiện nay, từ ở Đông Âu cho đến Trung Đông, sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự can dự của Nga. Đây là một thắng lợi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã lên nắm quyền cách đây gần 20 năm với cam kết khôi phục ảnh hưởng địa chính trị của nước Nga.
[Đằng sau việc 'gió đổi chiều' trong quan hệ giữa Pháp và Nga]
Đặc biệt, ông Putin muốn Mỹ đối xử với Nga như một đối tác đối thoại thực sự. Mặc dù khả năng khôi phục thế giới lưỡng cực của những năm Chiến tranh Lạnh là bất khả thi, song ít nhất Mỹ cũng phải công nhận tầm quan trọng của lực lượng quân đội hiện đại và sẵn sàng chiến đấu của Nga bởi họ có thể can thiệp cả vào không gian Xô viết trước đây và xa hơn nữa.
Nói cách khác, Nga đang trở lại. Việc châu Âu phủ nhận điều này, hay đơn giản là nỗ lực kiềm chế Nga, không phải là cơ sở thỏa đáng cho học thuyết chiến lược lâu dài và chính sách ngoại giao hiện thực.
Thứ hai, sáng kiến ngoại giao mới của Pháp hướng về phía Nga là để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo tại châu Âu. Vương quốc Anh, có thể nói là quốc gia cương quyết nhất trong việc lên án cách hành xử của Nga thời gian gần đây, đã tự mình “tách khỏi cuộc chơi."
Bị ám ảnh với bi hài kịch Brexit, vốn khiến nước này lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới II, nước Anh đã dần mất đi vai trò của một nhân tố ngoại giao quan trọng.
Trong khi đó, Đức - một cường quốc ở châu Âu có mối quan hệ văn hóa và lịch sử gần gũi nhất với Nga - đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ chính trị. Sẽ là rất nguy hiểm và không công bằng khi đánh giá thấp Thủ tướng Đức Angela Merkel, song thực tế là hiện nay bà không còn ảnh hưởng hoặc sức mạnh để dẫn dắt châu Âu giải quyết vấn đề của khối với thế giới bên ngoài hoặc để tập hợp các nước châu Âu.
Trong bối cảnh Anh và Đức hiện nay không thể đảm nhận một vai trò ngoại giao đáng kể, còn Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan thì không phải là những nước chủ chốt, có một kết luận khá đơn giản được đưa ra: đây là thời khắc của nước Pháp, một phần là nhờ "thiên thời, địa lợi," một phần là nhờ nguồn năng lượng dồi dào và sự sáng tạo vị tổng thống trẻ Macron.
Các chính phủ ở Trung và Bắc Âu đặc biệt hoài nghi sáng kiến ngoại giao mới của Pháp. Họ đặt câu hỏi: Tại sao lại phải nối lại tình hữu nghị với Nga và tại sao lại vào thời điểm này?
Ngoài ra, họ cho rằng ông Macron đang hành động đơn phương chứ không thực sự tham khảo ý kiến của các đối tác và đồng minh ở châu Âu. Ông khó có thể lên tiếng nhân danh châu Âu nếu ông tiếp tục hành động theo hướng đó.
Thế nhưng, thế giới nên ủng hộ ông Macron bởi thực tế cho thấy chính sách kiềm chế (Nga) một cách hà khắc của phương Tây đã thất bại. Hiện là lúc phải áp dụng chính sách can dự, miễn là đừng nên thực hiện nó một cách "quá vô tư" hoặc hoàn toàn phớt lờ mọi nguyên tắc.
Pháp đã thực hiện động thái táo bạo đầu tiên để cài đặt lại mối quan hệ với Nga. 'Quả bóng' hiện đang ở bên sân của ông Putin./.