Vì sao phải tiêm viêm gan B cho trẻ 24 giờ sau sinh?

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, tiêm mũi viêm gan B cho trẻ sau 24 giờ sinh thì giá trị cao, để càng chậm thì giá trị mũi tiêm đó giảm đi.
Sau việc ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin phòng viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có không ít ý kiến từ các chuyên gia về vắcxin cho rằng nên lùi lại lịch tiêm này cho trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn. Về phía Bộ Y tế, sau cuộc họp “nóng” về vấn đề vắcxin chiều ngày 24/7, Bộ Y tế khẳng định vẫn tiếp tục tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh theo lịch trong dự án tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh chủ động cho trẻ em và cộng đồng. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi tiến sỹ Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). [Tiếp tục tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ sau sinh] - Gần đây, một loạt những trường hợp đau lòng như trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi tiêm vắcxin phòng viêm gan B đã xảy ra. Là Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, ông đánh giá như thế nào về các trường hợp đó?Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Đúng là trong thời gian gần đây, Bộ Y tế nhận được khá nhiều báo cáo về các trường hợp có liên quan tới việc sau tiêm chủng vắcxin viêm gan B. Gần đây nhất là ở Bình Thuận cũng có một trường hợp trẻ cũng bị tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B. Bộ Y tế cũng đã nhận được báo cáo của biên bản của Hội đồng đánh giá tai biến vắcxin của tỉnh Bình Thuận khẳng định đây là trường hợp đột tử chưa rõ nguyên nhân. Bởi sau khi tiêm, trẻ đã có những thời gian ăn, ngủ, chơi bình thường, sau đó một thời gian theo những tài liệu thu thập của tỉnh Bình Thuận, trường hợp trẻ đó không có những biểu hiện của sốc vắcxin. Kết luận của Hội đồng đánh giá tai biến vắcxin của tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Y tế chấp thuận. Cùng thời gian đó, tại tỉnh Quảng Trị có cùng một lúc ba trường hợp tử vong sau tiêm vắcxin viên gan B. Đây là chùm ca phản ứng rất hy hữu, đây là sự việc chưa từng có trong gần 30 năm qua của công tác tiêm chủng. - Sau những sự việc trên, có rất nhiều ý kiến cho rằng những quy trình trong công tác tiêm chủng không “nghiêm ngặt,” còn nhiều sai sót. Ông thấy điều này có đúng ko?Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Trong kết luận của Bộ Y tế cũng đã nêu một số vấn đề trong công tác tiêm chủng như việc tổ chức tiêm chủng ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa có một số sai sót. Chẳng hạn theo quy định, việc xuất-nhập vắcxin phải có ghi chép đầy đủ, vắcxin phải để nơi riêng biệt, không lẫn với những sinh phẩm khác và thuốc khác. Các lọ mẫu vắcxin phải được lưu sau khi tiêm. Những sai sót đó đoàn kiểm tra đã nhìn rõ, y tá thực hiện không đúng sẽ có những hình thức kỷ luật. Về phía chuyên môn, chúng tôi đã có những xem xét thấy về mặt sổ sách chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Việc tiêm phòng cho trẻ theo quy định phải tiêm ở những phòng tiêm, vì tiêm chủng là thao tác kỹ thuật đòi hỏi phải ở một phòng kỹ thuật, không được mang đi tiêm ở phòng sản phụ. Điều đó nhằm chống nhiễm trùng với các vết tiêm là chính, nên điều đó chưa ảnh hưởng lớn tới tính mạng của trẻ. Tuy nhiên với những sai sót vừa rồi, chưa có sai sót nào nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
- Mặc dù Bộ Y tế đã có kết luận sơ bộ ban đầu về kết quả của ba trẻ tại Quảng Trị. Tuy nhiên, dư luận vẫn có những băn khoăn về chất lượng vắcxin cũng như công tác bảo quản ở các bệnh viện tuyến dưới liệu có đảm bảo an toàn cho con của họ không. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này? Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Trước hết, là kết luận sơ bộ trường hợp ba cháu bé tại Quảng Trị, Bộ Y tế cũng cảm thấy chưa thỏa mãn. Chính vì vậy, Bộ đã cùng với Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục kiểm tra vắcxin để xem tính an toàn của vắcxin như thế nào. Bên cạnh đó, các mẫu vắcxin tiêm chủng ở tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hóa đã được thu thập cùng với các mẫu phủ tạng của các trẻ tử vong đã được gửi tới các cơ quan chức năng của Trung ương để làm khám nghiệm tử thi. Kết luận về các trường hợp trên cũng khẳng định ít nghĩ tới nguyên nhân do vắcxin, tuy nhiên chúng ta cũng không thể loại trừ. Chúng tôi đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới để gửi các mẫu bệnh phẩm, mẫu vắcxin tới các phòng thí nghiệm của quốc tế để tìm ra những nguyên nhân chính xác nhất. - Sau những sự việc vừa qua, có khá nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên thay đổi lịch tiêm chủng cho trẻ đối với vắcxin viêm gan B. Nhưng vừa qua, Bộ Y tế vẫn quyết định giữ lại việc tiêm mũi đầu trong 24 giờ sau sinh. Ông có thể lý giải rõ hơn về quyết định này? Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Cuộc họp của Hội đồng sử dụng vắcxin và Hội đồng tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm chủng tổ chức chiều qua (15/7) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì nhiều câu hỏi như vậy cũng đã được đặt ra với hai hội đồng và rất nhiều ý kiến phân tích của các thành viên hội đồng có cần phải thay đổi lịch tiêm hay không. Có ý kiến cho rằng trẻ sinh ra xong có rất nhiều bệnh bẩm sinh và nhiều bệnh khác cũng có thể ảnh hưởng tới các phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, tất cả các ý kiến đưa ra đã cân nhắc giữa những hiện tượng như trẻ vừa sinh ra còn rất non, có thể gây ra những phản ứng với lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta cũng phải nhìn nhận, mũi tiêm 24 giờ đầu đối với trẻ được đặt ra để bảo vệ khoảng 150.000 trẻ có nguy cơ trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra hằng năm. Đặc biệt, có khoảng 5-6% trong số trẻ đó thực sự nếu không tiêm, không được bảo vệ sẽ dẫn tới tình trạng viêm gan, xơ gan, ung thư gan trong quãng đời rất ngắn sau đó. Với mục tiêu trên, đặc biệt với trẻ sinh ra từ những bà mẹ có mang virus viêm gan, thì việc phải tiêm trong 24 giờ đầu có giá trị quyết định trong việc bảo vệ với trẻ sau này. Việc tiêm cho trẻ ở 24 giờ đầu được các thành viên của hội đồng thống nhất tiếp tục, vì mục đích chung của phần đông cộng đồng. - Có ý kiến đặt ra nên làm xét nghiệm để sàng lọc cho tất cả các bà mẹ trước khi sinh để quyết định chỉ tiêm ngừa mũi đầu sớm cho nhóm trẻ có mẹ mang virus. Với phương án này, Bộ Y tế đánh giá như thế nào?Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Về vấn đề này, hầu hết các thành viên của hội đồng cho rằng việc xét nghiệm trước để biết các bà mẹ có mang virus viêm gan không để quyết định tiêm cho trẻ sau 24 giờ không là không khả thi. Bởi mỗi năm có 1,5 triệu sản phụ sinh con, sẽ tương đương với 1,5 triệu cái xét nghiệm. Đây là số lượng quá lớn, kể cả từ bệnh viện trung ương đến các trạm y tế vùng sâu, vùng xa cũng đều khó khăn trong việc tổ chức xét nghiệm. Điều thứ hai là cũng còn một tỷ lệ bà mẹ nhất định trong thời kỳ cửa sổ, tức là trong người có virus viêm gan và có khả năng truyền cho con nhưng các xét nghiệm không xét nghiệm ra được. Như vậy, công tác xét nghiệm cũng chưa thể đảm bảo được tuyệt đối. - Sau khi sự việc xảy ra, nhiều sản phụ đang lo lắng việc tiêm vắcxin viêm gan B họ muốn lùi lại lịch tiêm từ 1-2 tuần, theo ông việc đó có được hay không?Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Trước khi Bộ Y tế đưa ra lịch tiêm mũi đầu vắcxin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ ngay sau khi sinh thì cũng đã có những hội thảo quốc tế tại Việt Nam và mời các chuyên gia quốc tế, mời đại diện của các nước đã sử dụng việc tiêm vắcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu của trẻ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore. Rất nhiều chuyên gia của các nước đã có những trao đổi về mặt khoa học và thấy rằng việc tiêm phải đảm bảo ít nhất trước 12 tiếng thì giá trị của mũi tiêm đó để bảo vệ cho trẻ rất cao. Sau đó, để càng chậm ngày bao nhiêu thì giá trị của vắcxin đó để bảo vệ cho trẻ ngày càng kém đi. Nên hội đồng hôm qua họp khuyến cáo các bà mẹ nên tiêm cho trẻ sau 24 giờ, tốt nhất là trước 12 tiếng. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong các bà mẹ vì lợi ích của con mình, của cộng đồng, nên đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cho trẻ tốt hơn./. Xin cảm ơn ông!
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục