Vì sao ông Trump chưa "ra tay" trong vụ nhà báo Khashoggi?

Dưới áp lực trừng phạt Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi xảy ra bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì sao ông Trump vẫn chưa ra tay?
Vì sao ông Trump chưa "ra tay" trong vụ nhà báo Khashoggi? ảnh 1Nhà báo Khashoggi bị sát hại. (Nguồn: Standard.co.uk)

Theo Reuters/Đài BBC, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những bằng chứng được tiết lộ hôm 18/11 là "vô cùng ác ý," tuy nhiên ông muốn duy trì mối quan hệ với Saudi Arabi như một đồng minh thân cận tại Trung Đông.

Dưới áp lực trừng phạt Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi xảy ra bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10, ông Trump nghi ngờ cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman (MbS)- người cầm quyền thực sự của Saudi Arabia - có liên quan.

Trả lời phỏng vấn Fox News Sunday, ông Trump nói: "Ông ta nói với tôi rằng ông ta không liên quan gì đến vụ việc này," đồng thời bổ sung rằng "nhiều người" cũng nói rằng Thái tử không hề biết gì về vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Cuộc phỏng vấn được ghi hình hôm 16/11, vài giờ trước khi các nguồn tin chính phủ cho biết Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã gửi lên Chính quyền Tổng thống Trump báo cáo về vụ sát hại và tin rằng MbS đã ra lệnh thực hiện vụ này.

Ông Trump cho biết ngày 17/11 rằng đánh giá CIA là "còn quá sớm" và trong cuộc phỏng vấn hôm 18/11 ông nhấn mạnh CIA có thể không bao giờ có khả năng biết được ai đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi.

"Không ai sẽ thực sự biết được," ông nói. "Ông ta (Khashoggi) chắc chắn có những người thân tín và người thân tín rất có thể có sự liên quan... Tuy nhiên chúng ta đang có một đồng minh và tôi muốn gắn kết với đồng minh này, một đồng minh mà theo nhiều cách đã và đang là đồng minh tốt."

Ông Trump cho biết thêm rằng ông sẽ nhận báo cáo hoàn chỉnh về vụ việc này vào ngày 20/11. Trong chuyến đi khảo sát khu vực cháy rừng ở California, ông Trump cho biết vụ giết người “lẽ ra không bao giờ nên xảy ra." Bản báo cáo ngày 20/11 sẽ giải thích thêm tác động của vụ việc này, song không rõ ai là người soạn thảo báo cáo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết “các báo cáo gần đây chỉ ra rằng chính phủ Mỹ đã đưa ra kết luận cuối cùng là điều không chính xác. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi."

Bà Nauert cho biết Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật và phối hợp với các nước khác để buộc những người liên quan đến vụ việc này phải nhận trách nhiệm “trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Mỹ và Saudi Arabia."

CIA tin rằng MbS là người đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi, người làm việc cho Washington Post. Các nguồn tin thân cận với CIA nói rằng cơ quan này đã đánh giá chi tiết các bằng chứng cho dù không có bằng chứng hiển nhiên. Các quan chức Mỹ nhận định một chiến dịch như vậy cần phải được sự chấp thuận của Thái tử.

[Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại: Chiến lược của Saudi Arabia là gì?]

Trong khi đó, phát biểu bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói “Mỹ quyết tâm buộc toàn bộ những kẻ liên quan tới vụ giết người đó phải chịu trách nhiệm.”

Tờ Washington Post cho rằng đánh giá của CIA một phần được dựa trên cuộc điện thoại của em trai Thái tử, Hoàng tử Khaled bin Salman, Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ.

Hoàng tử Khaled được cho là đã gọi điện cho ông Khashoggi theo chỉ thị của anh trai mình, và đảm bảo với phóng viên rằng ông sẽ an toàn khi tới lãnh sự quán.

Trên Twitter, Hoàng tử Khaled - đã trở về Saudi Arabia - viết ông không liên hệ gì với ông Khashoggi từ gần một năm nay, đồng thời khẳng định ông chưa bao giờ gợi ý ông Khashoggi, khi đó đang ở London tham dự một cuộc hội thảo cho tới trước ngày ông mất tích, rằng ông Khashoggi nên tới Thổ Nhĩ Kỳ vì bất cứ lý do gì. Lời bác bỏ này đang được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Saudi Arabia.

Người ta tin rằng các nhân viên tình báo cũng đã đánh giá một cuộc điện thoại do nhóm tiến hành vụ giết người gọi tới một nhân viên thân cận cao cấp của Thái tử bin Salman.

Các nguồn được trích dẫn và đăng trên truyền thông Mỹ nhấn mạnh rằng không hề có một chút bằng chứng đơn lẻ nào cho thấy Thái tử có liên hệ trực tiếp tới vụ giết người, nhưng các quan chức Mỹ tin rằng một chiến dịch như vậy cần phải được sự chấp thuận của ông thì mới có thể diễn ra được.

Hiện Trump đang đối mặt với áp lực gia tăng từ các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa để đưa ra hành động cứng rắn hơn chống lại Saudi Arabia. Một vài nghị sỹ cho rằng Mỹ nên đình chỉ các vụ buôn bán vũ khí với Vương quốc này và giảm bớt sự ủng hộ của ông đối với MbS, tuy nhiên cho đến nay ông Trump đã chống lại áp lực đó.

Ông Trump cho biết chính quyền của ông đã có một cuốn băng ghi âm liên quan đến kẻ sát hại Khashoggi do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, tuy nhiên ông đã không nghe nó và không muốn làm việc này.

Saudi Arabia là một nhà cung cấp dầu lửa chính và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong việc chống lại sức mạnh của Iran tại Trung Đông.

Nhà báo Khashoggi sống tại Mỹ và thường chỉ trích gia đình hoàng gia. Ông là người viết bài cho chuyên mục hàng tháng của tờ Washington Post và đã mất tích sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul để lấy một giấy tờ liên quan tới hôn nhân. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vụ sát hại ông đã được một nhóm các điệp viên Saudi Arabia dàn xếp và thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục