Với 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng là FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc, FTA giữa Hàn Quốc với ASEAN, đáng lẽ nông sản Việt sẽ có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm không đồng đều, mẫu mã bao bì chưa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, thiếu thông tin thị trường... đang là những rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Chất lượng, quy cách sản phẩm chưa đồng đều
Tại Chương trình Xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các nhà phân phối nhập khẩu cho biết trong những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc nhưng trên thực tế, nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc chưa biết đến các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Có nhiều lý do khiến nông sản Việt khó xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là vấn đề chất lượng, quy trình bảo quản nông sản Việt còn chưa tốt.
Lấy dẫn chứng từ thực tế xuất khẩu trái thanh long tươi, bà Nguyễn Minh Phương, phụ trách ngành hàng nông sản thuộc CJ Freshway Việt Nam - một trong số những nhà phân phối nguyên liệu thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cho biết hiện trái thanh long Việt vẫn chưa thể xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc do yêu cầu cao từ quy định nhập khẩu của nước này.
Việc nhập khẩu sản phẩm "tươi" khá nhạy cảm ở Hàn Quốc vì họ chỉ chấp nhận sản phẩm bảo quản qua xử lý nhiệt chứ không chiếu xạ như một số thị trường khác. Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có nhiều nhà máy đủ thiết bị xử lý nhiệt trong khi sản phẩm này.
Hay như với mặt hàng cà rốt tươi, cà rốt Việt Nam từng bị thông báo nhiễm bệnh, sau đó lệnh cấm nhập khẩu được tháo gỡ nhưng có ràng buộc điều kiện nên đơn vị xuất khẩu của Việt Nam gặp rủi ro. Trong khi đó, giá cà rốt của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20% so với cà rốt Việt Nam khiến mặt hàng này khó cạnh tranh.
Không những vậy, nhiều sản phẩm rau củ quả cấp đông như hành lá, hẹ, tỏi... của Việt Nam có giá bán cao hơn 1,5 lần so với Trung Quốc.
Đưa ra một loạt bao bì sản phẩm nông sản Việt đang được bày bán trên thị trường so với sản phẩm cùng loại của nước khác, ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Công ty cổ phần Lotte Mart Việt Nam cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã bao bì sản phẩm còn khá đơn điệu, thiếu sự sáng tạo mang tính thẩm mỹ.
"Hệ thống siêu thị Lotte Mart đã ghi nhận có sản phẩm doanh số bán hàng đã tăng lên 3 lần khi chúng tôi thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng. Trên thực tế, người tiêu dùng có thể trả thêm 10% giá trị sản phẩm nếu bao bì đóng gói bắt mắt dù không cần quá cầu kỳ, lòe loẹt," ông Yoon Byung Soo cho biết.
Nâng cao tính cạnh tranh
Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), hiện Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong vòng 25 năm gần đây, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể, tăng 87 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD trong năm 2016. Trong số đó, nông lâm thủy sản là trong những nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế suất từ FTA giữa Việt Nam-Hàn Quốc (có hiệu lực từ tháng 12/2015) của Việt Nam đều tăng trưởng cao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng gần 28%, đạt hơn 328 triệu USD; rau quả tăng 12%, đạt gần 50 triệu USD. Tuy nhiên, con số nói trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nhu cầu nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản của Hàn Quốc (Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD/năm các sản phẩm nông lâm thủy sản).
Ông Hải cho rằng vấn đề xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc là vấn đề nan giải chứ không dễ. Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào khâu kiểm soát chất lượng, tạo giá trị mới cho sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước trong khu vực ASEAN cũng như Trung Quốc.
Theo ông Yoon Byung Soo, Việt Nam là nước nhiệt đới có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu nông sản vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển đó. Nguyên nhân chính phần lớn là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin về thị trường cũng như các đối tác nhập khẩu.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với Thương vụ tại Hàn Quốc tìm hiểu thông tin thị trường, những đối tác có thể nhập khẩu để công bố cho doanh nghiệp được biết. Thông qua các đối tác này, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản một cách bền vững hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư hơn các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm có uy tín trên thế giới và duy trì chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình giao dịch.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy nông sản xuất khẩu không chỉ riêng thị trường Hàn Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải quản lý chặt khâu sản xuất, đảm bảo sản phẩm phải được truy xuất được nguồn gốc khi đưa ra thị trường.
Đồng thời, cần xây dựng được hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, không để xảy ra tình trạng một số đơn vị làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín nông sản của nước nhà./.