Vì sao người ta vẫn ham chinh phục đỉnh Everest dù có thể mất mạng?

Năm ngoái đỉnh Everest đã chứng kiến một kỷ lục buồn khi có 18 nhà leo núi thiệt mạng ở đây. Tuy nhiên vẫn có hàng trăm người muốn chinh phục "nóc nhà thế giới" trong năm nay.

Những người leo núi di chuyển theo mặt phía Nam của Everest để lên đỉnh. (Nguồn: CNN)
Những người leo núi di chuyển theo mặt phía Nam của Everest để lên đỉnh. (Nguồn: CNN)

Những đám mây u ám dày đặc phủ lấp bầu trời, đi kèm theo là những cơn gió cắt da cắt thịt, tốc độ có lúc tới 161 km/h. Nhiệt độ ban đêm tụt xuống -34 độ C, những trận bão tuyết hay tuyết lở thường xuyên xảy ra. Đó chỉ là một số những chuyện thường xuất hiện trên ngọn núi cao nhất thế giới: núi Everest.

“Tòa tháp khổng lồ” này có độ cao lên đến 8.849 m, với phần đỉnh xuyên qua cả những tầng mây thấp. Nó nằm giữa Nepal và Tây Tạng, trên dãy Himalaya.

Để chinh phục Everest, người ta có thể phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để luyện tập. Nhưng kể cả những ai đã chuẩn bị kỹ, chinh phục thành công Everest chưa bao giờ là điều chắc chắn và dễ dàng.

Trên thực tế, đã có hơn 300 người leo núi phải bỏ mạng trong hành trình chinh phục Everest. Thành tích chết chóc này, dù sao vẫn không thể ngăn cản việc mỗi mùa Xuân lại có hàng trăm nhà leo núi tìm đến ngọn núi, với mong muốn chạm đến đỉnh cao sự nghiệp. Vậy vì đâu người ta lại thèm khát việc lên đỉnh Everest tới vậy? Phóng viên trang tin CNN đã trò chuyện với một số người từng chinh phục Everest để tìm hiểu lý do.

"Tôi tưởng mình đã chuẩn bị đủ về sức khỏe"

Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Jacob Weasel chinh phục thành công Everest vào tháng 5 năm ngoái, sau quá trình tập luyện kéo dài gần 1 năm. “Tôi có thể đeo một chiếc ba lô nặng hơn 22kg và leo cầu thang hai giờ mà không gặp vấn đề gì. Điều này đã khiến tôi lầm tưởng rằng mình có thể trạng khá tốt”, Weasel chia sẻ với CNN.

Tuy nhiên, viên bác sĩ này sớm nhận ra thể lực của mình dù tốt nhưng vẫn không đủ để đối mặt với sự khắc nghiệt của ngọn núi. “Cứ mỗi 5 bước đi, tôi lại mất từ 30 giây đến 1 phút để lấy lại nhịp thở”, Weasel nhớ lại sự khó khăn khi bị thiếu oxy trong hành trình leo lên đỉnh Everest.

Những nhà leo núi muốn chinh phục Everest thường phải tập luyện trong môi trường bình thường một thời gian rồi phải tập ở độ cao lớn, cứ thế xoay tua nhiều lần. Việc này nhằm giúp phổi điều chỉnh và quen với việc lượng khí oxy ngày càng giảm dần khi lên cao hơn, qua đó giúp tăng cơ hội sống sót và lên đỉnh núi.

base.png
Những căn lều nằm ở trạm căn cứ của Everest. (Nguồn: CNN)

Trong khuôn khổ hoạt động tập luyện, mỗi người sẽ phải di chuyển từ chân núi tới bốn trạm nghỉ đặc biệt được đặt trên Everest và ở đó từ một đến bốn ngày, trước khi leo xuống chân núi trở lại. Họ phải lặp lại quy trình tập luyện này ít nhất hai lần, để cơ thể thích nghi với việc lượng oxy bị giảm dần.

"Nếu đưa bất kỳ người bình thường nào lên một trong những trạm nghỉ đặc biệt nằm trên núi Everest, chưa nói tới các điểm cao hơn, họ đều có khả năng bị hôn mê trong từ 10 đến 15 phút. Sau đó họ sẽ chết trong vòng một giờ đồng hồ, vì cơ thể không kịp thích nghi với mức oxy thấp như vậy”, Weasel chia sẻ.

Dù Weasel đã chinh phục thành công hàng chục ngọn núi, bao gồm Kilimanjaro (5.895m), Chimborazo (6.263m), Cotopaxi (5.896 m) và gần đây nhất là Aconcagua (6.960 m) vào tháng 1/2024, nhưng anh cho biết không ngọn núi nào có thể sánh được với môi trường độ cao lớn của Everest.

Ở độ cao lớn nhất, Everest gần như không có khả năng duy trì sự sống của con người. Hầu hết những người leo núi đều phải dùng bình oxy để bổ sung dưỡng khí cho cơ thể khi lên tới độ cao trên 7000 m. Tình trạng thiếu oxy là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng những người leo núi. Vào thời điểm họ đặt chân tới "vùng chết" của Everest, nồng độ oxy sẽ giảm xuống còn chưa đầy 40%.

Rất khó để sống sót trên Everest

Mục tiêu đầu tiên của những người leo núi muốn chinh phục Everest là trạm căn cứ, nằm ở độ cao khoảng 5.181 m. Muốn đến đây, họ sẽ phải mất khoảng hai tuần. Kế tiếp, họ sẽ đi tới đến ba trạm còn lại, nằm dọc theo ngọn núi.

Trạm bốn - trạm cuối cùng trước khi lên đỉnh núi - được đặt dọc theo rìa của “vùng chết”, ở độ cao 7.924m. Tại đây, những người leo núi phải tiếp xúc với một bầu không khí cực kỳ loãng, đi kèm theo là nhiệt độ luôn ở mức âm và những trận gió đủ mạnh để thổi bay một người trưởng thành khỏi vách núi.

“Thật sự rất khó để sống sót trên đó”, Weasel nói với CNN. Anh vẫn còn nhớ đã thấy thi thể của những người leo núi phải bỏ mạng trên hành trình lên đỉnh. Do nhiệt độ quá lạnh, các thi thể đó ở trong tình trạng được bảo quản khá tốt và không bị phân hủy.

Ở độ cao lớn, những người leo núi sẽ phải đối mặt với tình trạng phù não do độ cao (HACE). Đây là một trong những căn bệnh phổ biến nhất mà những người leo núi gặp phải khi cố gắng leo lên đỉnh.

eve.png
Các nhà leo núi nối đuôi nhau lên đỉnh Everest. (Nguồn: CNN)

HACE khiến não bị sưng lên trong quá trình cố gắng thu lấy lượng oxy cần thiết. Người bị phù não sẽ bị buồn ngủ, khó nói hay suy nghĩ thông suốt về bất cứ điều gì. HACE còn khiến họ bị giảm thị lực và thậm chí là bị hoang tưởng. “Lúc này, bộ não của bạn đang thiếu oxy,” Weasel nói. “Tôi đã bị ảo giác, khi nghe thấy giọng nói của bạn bè vang lên từ phía sau lưng của mình. Tôi còn nhìn thấy khuôn mặt của các con tôi và vợ tôi xuất hiện từ những tảng đá”.

Anh cũng nhớ lại việc mình đã đi ngang qua một bạn leo núi có tên Orianne Aymard. Cô bị kẹt lại trên Everest do bị thương. “Tôi nhớ mình đã nhìn chằm chằm vào cô ấy trong khoảng 5 phút và chỉ thốt lên được một câu rằng: 'Tôi rất xin lỗi'”, anh kể, cho biết thêm rằng cảm giác thật khó khăn khi là bác sĩ nhưng không thể cứu người.

Sau cùng, Aymard đã sống sót. Cô được người khác cứu trong tình trạng bị gãy nhiều xương ở bàn chân, bị bỏng lạnh nghiêm trọng ở tay. Dù bị nhiều thương tích, Aymard vẫn được coi là may mắn, khi còn sống sót.

Everest từ lâu đã nổi tiếng là mồ chôn tập thể của những nhà leo núi. Theo Alan Arnette, huấn luyện viên leo núi từng chinh phục Everest vào năm 2014, khi người bạn đồng hành bị thương nặng hoặc chết trên Everest, bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất là để họ ở lại nếu không thể cứu.

Arnette cũng cho rằng việc nhìn thấy một cái xác trên Everest cũng giống như khi ta thấy một vụ tai nạn ôtô lớn. “Bạn không thể quay trở về. Những gì bạn nên làm là đi chậm lại khi thấy tai nạn, thể hiện sự tiếc thương hoặc cầu nguyện cho nạn nhân, rồi tiếp tục di chuyển," ông nói.

Đã 10 năm kể từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn chết chóc nhất trên Everest, khi một trận lở tuyết đã khiến 12 người Sherpa dẫn đường thiệt mạng. Tuy nhiên năm ngoái (2023) lại được ghi nhận là năm có nhiều người chết nhất trên Everest, với 18 người thiệt mạng.

Quá trình để thu hồi các thi thể rất phức tạp và đôi khi không thể thực hiện được. Việc dùng trực thăng thu hồi xác rất khó khăn do độ cao lớn và điều kiện tự nhiên trên đỉnh núi quá khắc nghiệt. Đã có chuyện những người cứu hộ thiệt mạng khi cố cứu những người khác trên Everest.

Ngắm bình minh từ độ cao 8.800m

Chuyến leo núi dài hơn 900 m từ trạm bốn lên trên đỉnh Everest có thể mất từ ​​​​14 đến 18 giờ. Vì vậy, những người leo núi thường sẽ khởi hành vào ban đêm. “Cả đêm đó trời rất lạnh,” Weasel hồi tưởng lại. “Trời tối đen như mực, gió thì thổi ào ào, nhưng khi Mặt trời lên, nỗ lực bỏ ra lại rất xứng đáng. Khi đó, tôi được ngắm bình minh từ độ cao 8.800 m và thấy cái bóng của ngọn núi lớn nhất thế giới chiếu xuống thung lũng bên dưới bạn. Đó có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất tôi từng chứng kiến trong đời. Cảm giác thật kỳ lạ khi nghĩ tới thực tế là vạn vật trên hành tinh này đều ở dưới nơi bạn đang đứng lên”. Sau khoảng thời gian từ 20 phút đến một giờ, những người leo núi thường sẽ bắt đầu quay trở xuống, kết thúc nỗ lực chinh phục lớn nhất trong đời họ.

Screenshot_19.png
Các nhà leo núi nối đuôi nhau lên đỉnh Everest. (Nguồn: CNN)

Năm nay có khoảng 300 người đã được chính phủ Nepal cấp giấy phép để leo lên đỉnh Everest. Con số này đã giảm so với những năm trước và lý do có thể vì số người chết cao trong năm ngoái.

Tuy nhiên Arnette không tin rằng sự nguy hiểm sẽ khiến người ta từ bỏ tham vọng lên đỉnh Everest. “Tôi tin tưởng rằng sau khi chinh phục ngọn núi này, bạn sẽ trở về nhà như phiên bản tốt hơn của chính mình. Và đó là lý do chúng ta leo núi”, ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục