Vì sao người dân vẫn mua bảo hiểm nhân thọ khi không hiểu rõ hợp đồng?

Bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích bảo vệ khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời nhưng rất nhiều người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ lại không hiểu được ý nghĩa đó.
Vì sao người dân vẫn mua bảo hiểm nhân thọ khi không hiểu rõ hợp đồng? ảnh 1Nhiều người ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ nhưng có những khúc mắc mà có thể nhiều năm sau họ mới phát hiện ra. (Nguồn: Vietnam+)

Sau Tết, anh T.K (Ba Đình, Hà Nội) được đồng nghiệp giới thiệu về chương trình tiết kiệm với lãi suất khá hấp dẫn. Mỗi năm, anh sẽ phải gửi vào ngân hàng 50 triệu đồng. Theo như hợp đồng, sau 5 năm, anh mới được rút cả tiền gốc và lãi.

Chương trình có kèm theo quà tặng là nửa chỉ vàng và một vài vật dụng khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi xảy ra các vụ lùm xùm về ngân hàng và bảo hiểm, anh K. bắt đầu tìm hiểu thì mới biết thực chất mình đã mua bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gửi tiết kiệm.

Anh K. cho biết: "Trong suốt quá trình ký hợp đồng, tôi không hề được nghe tư vấn viên nhắc đến từ bảo hiểm nhân thọ. Điều này khiến tôi hiểu lầm là mình đang gửi theo chương trình tiết kiệm của ngân hàng, nhưng trên thực tế là tôi đang mua bảo hiểm nhân thọ."

[Ngân hàng bán bảo hiểm ‘bia kèm lạc’: Cần phải xử lý nghiêm]

Cùng gặp rắc rối về vấn đề bảo hiểm nhân thọ, anh Đ.Đ.T (Hà Đông, Hà Nội) cho biết trong một lần đến giao dịch tại ngân hàng, anh đã được mời mua sản phẩm bảo hiểm.

Gói bảo hiểm của anh có giá trị 1,3 tỷ đồng và được tư vấn đóng với mức phí 35 triệu đồng một năm.

Sau khi đóng phí được 3 năm, anh T. muốn kết thúc hợp đồng trước hạn thì nhận được thông báo: nếu rút trước 10 năm thì số tiền nhận lại không được như mong muốn. Và lúc này anh T. mới biết thời gian đáo hạn hợp đồng của anh kéo dài đến 67 năm.

Trên thực tế, tất cả những thông tin mà anh K. hay anh T. không nắm rõ đều đã có trong hợp đồng. Nhưng tại sao người mua lại không hay biết?

Người mua chưa hiểu rõ...

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng.

Người mua bảo hiểm thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm về việc sẽ đóng đúng những khoản phí đều đặn vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý, để được chi trả số tiền nhất định khi người được bảo hiểm không may gặp rủi ro hoặc đến thời điểm đáo hạn.

Ngoài tính chất đặc trưng là bảo vệ trước các rủi ro trong cuộc sống, bảo hiểm nhân thọ còn là một phương án tài chính có tính tích lũy, là kênh tiết kiệm dài hạn và cũng là kênh đầu tư có lãi suất.

Khi kết thúc hợp đồng, nếu không có rủi ro, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ thực hiện chi trả quyền lợi đáo hạn bằng tiền cho khách hàng.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Khi nhiều người mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đủ lượng tiền bồi thường cho những người bị rủi ro. Đây là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm.

Tuy nhiên, rất nhiều người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ lại không hiểu được ý nghĩa đó. Họ chỉ đơn thuần muốn tích lũy tài sản để kiếm lời nên mới xảy ra tình trạng than vãn vì mất phần lớn số tiền khi muốn kết thúc hợp đồng sớm như anh T.

Thêm vào đó, người Việt Nam thường ghét nói về rủi ro, những điều không may mắn nên họ không cảm nhận được sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ đối với cuộc sống.

Hiện nay, đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong 3-5 năm đầu sau khi ký thì cá nhân tham gia bảo hiểm phải trả rất nhiều phí, nhiều nhất là phí bảo hiểm cơ bản, lên tới 60-85% phí bảo hiểm năm đầu và giảm dần những năm tiếp theo, ngoài ra còn phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng.

Vì vậy, nếu khách hàng tất toán, ngừng đóng trước khi hết hạn hợp đồng, số tiền người tham gia bảo hiểm có thể nhận về sẽ rất thấp vì phải trừ các loại phí trên. Thậm chí nếu bỏ ngang trong thời điểm này, khách hàng có thể mất toàn bộ số tiền đã đóng.

Do không hiểu rõ những điều này nên đa phần người dân sẽ e ngại khi thấy kỳ hạn một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ quá dài.

Tuy nhiên, để ký được một hợp đồng bảo hiểm, người mua nào cũng sẽ được một tư vấn viên hướng dẫn để hiểu rõ về loại bảo hiểm họ tham gia. Vậy tại sao, người mua lại vẫn còn những khúc mắc mà có thể nhiều năm sau họ mới phát hiện ra?

... còn người bán "cố tình" không nói rõ

Việc được hưởng lợi ích tiền bạc quá lớn sau khi ký được hợp đồng; áp lực đạt chỉ tiêu doanh số; chất lượng tư vấn viên; nội dung hợp đồng dài và khó hiểu... là những nguyên nhân trong số rất nhiều nguyên nhân đang khiến cho thị trường bảo hiểm nhân thọ phát sinh nhiều tiêu cực và phát triển thiếu lành mạnh.

Vì sức ép về doanh thu, chạy theo doanh số bán hàng nên các tư vấn viên khi tư vấn cho khách hàng sẽ chỉ nói về những mặt tốt của sản phẩm.

Để ký được hợp đồng, nhân viên của các công ty bảo hiểm đã không tư vấn cụ thể những điều khoản có thể gây bất lợi cho khách hàng như: khai báo không trung thực về những "mất mát" khi kết thúc hợp đồng trước hạn, những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường.

Điều này dẫn đến trường hợp như anh K. không hề hay biết mình đang mua bảo hiểm nhân thọ. Hay như a T. bất ngờ với hình huống bị mất tiền khi kết thúc hợp đồng sớm.

Vì sao người dân vẫn mua bảo hiểm nhân thọ khi không hiểu rõ hợp đồng? ảnh 2Do chạy theo doanh số bán hàng nên các tư vấn viên khi tư vấn cho khách hàng sẽ chỉ nói về những mặt tốt của sản phẩm. (Nguồn: Vietnam+)

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng có thể chính các tư vấn viên cũng chưa đủ thời gian để tìm hiểu và hiểu hết về sản phẩm mà họ đang bán.

Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng về bảo hiểm nhân thọ, nhiều đội nhóm kinh doanh đã liên tục tuyển dụng, đào tạo những tư vấn viên mới để đi tìm doanh số.

Chị Hoàng Phương, một nhân viên tư vấn bảo hiểm, cho biết: "Muốn trở thành tư vấn viên bán bảo hiểm nhân thọ bạn chỉ cần có thời gian. Điều kiện tuyển chọn khá đơn giản. Bạn có thể vừa đi làm một công việc khác, vừa có thể bán thêm bảo hiểm nhân thọ. Bạn có thể bắt đầu công việc của một tư vấn viên sau khóa đào tạo thường chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng khi làm việc không hiệu quả, tư vấn viên có thể nghỉ việc hoặc nhảy sang công ty khác."

Vậy người dân nên làm gì khi muốn tham gia bảo hiểm nhân thọ?

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Quản lý, Giám sát bảo hiểm, cho rằng khách hàng cần tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Trước hết là để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân người tham gia bảo hiểm, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh.

Theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, khách hàng có 21 ngày để cân nhắc tham gia bảo hiểm sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã phát hành hợp đồng. Nếu trong thời gian này có thắc mắc, khách hàng có thể trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích rõ. Nếu không tham gia bảo hiểm nữa, khách hàng có thể hủy hợp đồng, được hoàn phí bảo hiểm sau khi trừ một số chi phí nhất định.

Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đến nay đã có 19 doanh nghiệp tham gia, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.
Dù vậy, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn là một ngành khá non trẻ so với bề dày lịch sử ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, cao gấp khoảng 5 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường bảo hiểm thế giới.
Dù tốc độ tăng trưởng cao, nhưng quy mô còn nhỏ, tỷ lệ người dân tham gia thấp, đến nay, mới chỉ có hơn 10% dân số tham gia mua bảo hiểm nhân thọ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục