Vì sao nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjom không được thông qua?

Sự chia rẽ trên chính trường nước này và có thể tạo nguy cơ đe dọa tiến tình triển khai tuyên bố chung ở cả hai miền Triều Tiên về lâu dài.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại đường phân định ranh giới hai miền ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 29/5 đã bày tỏ lấy làm tiếc khi cơ quan lập pháp nước này không thông qua nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjom đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 vừa qua.

Dù đảng Dân chủ cầm quyền mong muốn thúc đẩy một nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjom tại quốc hội, nhưng nỗ lực này đã thất bại mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất đồng liên quan tới nội dung văn bản về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP), đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, kiên quyết yêu cầu đưa nội dung Triều Tiên phải hủy bỏ các vũ khí hạt nhân của nước này “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược” vào nghị quyết.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 vừa qua tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố Panmunjom, trong đó xác nhận mục tiêu chung "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và nhất trí ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau, cũng như thúc đẩy ký kết hiệp ước chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và lập một cơ chế hòa bình.

[Quốc hội Hàn Quốc không thông qua dự thảo ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom]

Ngày 30/4, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi nỗ lực để quốc hội phê chuẩn tuyên bố chung nhằm đảm bảo thỏa thuận liên Triều được thực thi cho dù chính phủ thay đổi.

Trong những năm qua, lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng luôn thay đổi mỗi khi có sự thay đổi đảng cầm quyền. Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất năm 2000 và lần thứ hai năm 2007 đều đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác, trao đổi và giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, các văn bản đều bị bỏ qua sau khi chính phủ mới lên nắm quyền.

Chính vì thế, việc Quốc hội Hàn Quốc chưa thể thống nhất về nội dung nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjom phần nào cho thấy sự chia rẽ trên chính trường nước này và có thể tạo nguy cơ đe dọa tiến tình triển khai tuyên bố chung ở cả hai miền Triều Tiên về lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục