Vì sao Mỹ-Trung chưa thể hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19?

Theo trang mạng eurasiaforum.org, bất chấp những nét tương đồng trong các đợt bùng phát dịch đầu tiên, COVID-19 dường như càng khoét sâu sự đối lập và kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiaforum.org, hợp tác liên chính phủ giữa Mỹ và Trung Quốc từng là một bộ phận quan trọng trong cuộc chiến chống dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) năm 2003. Tuy nhiên, hợp tác song phương trong cuộc chiến chống COVID-19 lại không được cụ thể hóa.

Thực trạng mối quan hệ Mỹ-Trung và việc 2 bên không thể phối hợp rõ ràng đã khiến đại dịch càng thêm trầm trọng.

Bất chấp những nét tương đồng trong các đợt bùng phát dịch đầu tiên, COVID-19 dường như càng khoét sâu sự đối lập và kình địch giữa Washington và Bắc Kinh.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hợp tác nằm ở việc hai bên đang quá bậm tâm cho cuộc chiến tuyên truyền và đối đầu thương mại hiện nay. Tuy nhiên, tín hiệu cho thấy hợp tác Mỹ-Trung nhen nhóm trong những vấn đề khác như các cam kết chung gần đây nhằm giải quyết biến đổi khí hậu, cho thấy mối quan hệ song phương rạn nứt chỉ là một phần của câu chuyện về những thấy bại trong việc hợp tác phòng chống COVID-19.

Khác biệt và chênh lệch trong nhận thức về cách xử lý vấn đề quản trị y tế công, yếu tố không nổi lên trong giai đoạn dịch bệnh năm 2003, có lẽ mới là nguyên nhân cốt lõi.

[Thế giới đã ghi nhận trên 4,2 triệu ca tử vong do dịch COVID-19]

Hợp tác Mỹ-Trung trong lĩnh vực y tế công được thiết lập sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979. Thỏa thuận về Hợp tác Khoa học và Công nghệ năm 1979 chính là tiền đề dẫn tới việc ký Nghị định thư Hợp tác Khoa học và Công nghệ trong Y học và Y tế Cộng đồng. Đây là nền tảng để hai nước duy trì mối quan hệ trong các vấn đề liên quan đến y tế.

Hợp tác song phương được củng cố dưới thời Jeff Koplan, Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) giai đoạn 1998-2002. Trong thời kỳ này, Mỹ đã giúp Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng y tế công cộng hiệu quả.

Sự bùng phát của SARS năm 2003 đã phơi bày điểm yếu trong công tác ứng phó tình trạng khẩn cấp về y tế của Trung Quốc và buộc quốc gia này phải thay đổi. CDC Mỹ đã cùng Trung tâm Cúm Quốc gia Trung Quốc phối hợp tăng cường năng lực giám sát dịch bệnh cúm của nước này.

Dưới sự hỗ trợ của CDC Mỹ, các nhân viên y tế công cộng Trung Quốc đã tham gia các khóa đào tạo về virus và dịch tễ học. Sự giúp đỡ của Mỹ đã trở thành yếu tố quan trọng trong nỗ lực phản ứng và xử lý tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc.

Sau dịch SARS, Trung Quốc tiếp tục củng cố hợp tác y tế với các đối tác Mỹ, và có thiện cảm với mô hình y tế công cộng cũng như sẵn sàng áp dụng các biện pháp của Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2003, Bộ trưởng Y tế Mỹ khi đó là Tommy Thompson đã cam kết sẽ hợp tác cùng Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng y tế hiệu quả hơn tại quốc gia này.

Tuy nhiên, trước khi COVID-19 bùng phát, quan điểm của Trung Quốc đối với cách thức quản lý y tế của Mỹ đã dần thay đổi. Dù Mỹ vẫn duy trì vị thế vượt trội trong quá trình quản trị, Trung Quốc ngày càng coi mình ngang hàng với Mỹ.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkien và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Alaska hồi tháng 3, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định: “Mỹ chưa đủ tư cách để có thể nói rằng Mỹ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế của kẻ mạnh."

Những thay đổi trong nhận thức của Trung Quốc bắt nguồn từ việc quốc gia này đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong quá trình xây dựng hệ thống y tế suốt thập kỷ qua. Thông qua một loạt các cải cách từ năm 2009, Trung Quốc đã nâng cao đáng kể khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế của người dân, đạt mức tiêu chuẩn do Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.

Việc Mỹ xử lý yếu kém COVID-19 càng củng cố thêm niềm tin của Trung Quốc rằng mô hình ứng phó khủng hoảng y tế của Mỹ là kém hiệu quả.

Tính đến cuối tháng 7/2021, tổng số ca mắc tại Mỹ đã vượt quá 34 triệu ca, tương đương hơn 10% dân số, trong khi đó, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc chỉ báo cáo khoảng 100.000 ca.

Thực tế này càng khiến Trung Quốc tin rằng Mỹ đã đánh mất ưu thế về y tế, và kết luận rằng sức mạnh thể chế và nền văn hóa của Trung Quốc chính là chìa khóa giúp chiến thắng COVID-19. Mặc dù vậy, hệ thống y tế của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ trên nhiều khía cạnh: Mỹ xếp thứ 4 trong Chỉ số Đổi mới Y tế Thế giới, trong khi đó Trung Quốc thậm chí không đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng.

Hợp tác giữa hai nước phụ thuộc phần lớn ở việc Mỹ cần ghi nhận những tiến bộ của Trung Quốc trong quản lý y tế và nhìn nhận Trung Quốc như một đối tác bình đẳng. Nếu không, tình hình sẽ vẫn tiếp diễn theo chiều hướng cạnh tranh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cần hiện thực hóa phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình và “sẵn sàng học tập thành tựu của các nền văn hóa khác, hoan nghênh những lời góp ý hữu ích và những lời phê bình mang tính xây dựng”. Trung Quốc cần tiếp tục xác định các hạn chế và nhược điểm của chính mình trong quản lý y tế và cần nhìn nhận các quốc gia khác, kể cả việc đánh giá các thành tựu mà Mỹ đã đạt được.

Chuyên gia dịch tễ nổi tiếng Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng trống cần cải thiện và nhiều thứ phải học từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác.

Khả năng hợp tác chống dịch giữa hai cường quốc này trong tương lai phụ thuộc vào việc tạo lập niềm tin và thúc đẩy nhận thức chung về những kinh nghiệm hữu ích nhất của đối phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục