Tờ Đông phương - nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong - ngày 14/5 nhận định mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng cấp toàn diện cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ vốn bùng nổ hơn một năm qua.
Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Ngay lập tức, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp trả đũa.
Ngày 13/5, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ nâng thuế đối với hàng nghìn loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD từ ngày 1/6 tới.
[Trung Quốc: Không có thông tin về kế hoạch gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ]
Theo thông báo trên trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc, thuế trả đũa có bốn mức: khoảng 2.500 sản phẩm bị nâng thuế từ 10% lên 25%; hơn 1.000 sản phẩm bị nâng thuế từ 10% lên 20%; 974 sản phẩm bị nâng thuế từ 5% lên 10% và gần 600 sản phẩm khác giữ nguyên mức thuế hiện tại là 5%.
Gới phân tích kinh tế cho rằng sự kiện này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, khiến GDP của hai nước này lần lượt giảm 0,2% và 0,5%.
Như vậy, có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận trả giá tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay không đạt mức 6% để "quyết chiến" với Mỹ.
Giới quan sát quốc tế cho biết hồi đầu tháng 5/2019, ông Trump đã thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội Twitter chỉ trích Trung Quốc vi phạm thỏa thuận.
Ông Trump và các quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ đồng loạt phê phán Trung Quốc không muốn thông qua lập pháp thực hiện thỏa thuận hoặc Trung Quốc không muốn loại bỏ biện pháp trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước… Tất cả đều cho thấy Trung Quốc "trở mặt."
Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy mà là do Mỹ đưa ra yêu cầu và đơn phương coi yêu cầu của họ đã được Trung Quốc chấp nhận.
Lý Bình - chuyên gia bình luận thời sự nổi tiếng của Hong Kong - nhận định mục đích của ông Trump trong việc nâng cấp chiến tranh thương mại với Trung Quốc chính là muốn giành điểm trong tranh cử, đồng thời dựa vào cuộc chiến tranh này để "tấn công" đối thủ.
Điều này có thể thấy được qua những phát ngôn của ông Trump gần đây. Ví dụ ông Trump nói rằng toan tính của Trung Quốc là kéo dài đàm phán thương mại với Mỹ để trong tương lai có thể đàm phán với đảng Dân chủ nhu nhược của Mỹ.
Đây là điều mà ông Trump muốn nói cho cử tri Mỹ nghe, ngầm đưa ra thông điệp chỉ có ông mới thực sự đối phó được với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Ông Trump cho rằng cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã công khai bày tỏ sẽ đại diện cho đảng Dân chủ Mỹ ra tranh cử tổng thống khóa mới, là người nhu nhược và không đủ năng lực đối phó với Trung Quốc.
Ông Trump muốn dựa vào chiến tranh thương mại để "tấn công" Biden, bôi nhọ quan hệ giữa đảng Dân chủ Mỹ với Trung Quốc.
Chuyên gia Lý Bình phân tích tuy cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, vốn giằng co hơn một năm qua, bước sang năm 2019 với bề ngoài có vẻ lạc quan, hòa hoãn nhưng bên trong hai bên vẫn liên tiếp có những "động tác riêng."
Hồi tháng 1/2019, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Mỹ đàm phán và có cuộc gặp với ông Trump tại phòng Bầu dục trong Nhà Trắng.
Ông Lưu Hạc được sắp xếp ngồi đối diện với ông Trump, cùng hàng với quan chức tháp tùng, tạo ra tình thế người quyết định và người phụ thuộc rất rõ ràng giữa ông Trump và ông Lưu Hạc, khiến đoàn đại biểu Trung Quốc bất ngờ nhưng không kịp đối phó. Tuy nhiên, sự sắp xếp được coi là "thiếu thường thức ngoại giao" này đã xuất hiện hai lần.
Đầu tháng 4/2019, sau khi Trung-Mỹ triển khai vòng đàm phán thứ 9, ông Trump lại có cuộc gặp với ông Lưu Hạc tại phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, nhưng vị trí của ông Lưu Hạc đã thay đổi, ngồi cùng hàng với ông Trump, hai bên bình đẳng.
Lần này, ông Trump hình dung đàm phán thương mại Trung-Mỹ có quy mô khổng lồ, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử.
Trên thực tế, "động tác nhỏ" này không phải là sự sắp xếp tùy tiện, càng không phải là sự "không thận trọng" của Mỹ, mà là có ý đồ rất rõ ràng liên quan chặt chẽ đến thái độ và kết quả đàm phán giữa hai bên./.