Vì sao Mỹ cắt giảm viện trợ cho quân đội các nước châu Phi?

Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ đối với quân đội các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố, khi cường quốc này điều chỉnh chiến lược quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Vì sao Mỹ cắt giảm viện trợ cho quân đội các nước châu Phi? ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang mạng businesslive.co.za, Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ đối với quân đội các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố, khi cường quốc này điều chỉnh Chiến lược quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa truyền thống ngày càng lớn từ Trung Quốc và Nga.

Bất chấp việc quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện tại châu Phi thời gian qua, Washington vẫn cắt giảm tài trợ đối với Lục địa Đen. Hậu quả là các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ tại Niger và Somalia đã xảy ra, khiến 6 binh sỹ Mỹ thiệt mạng kể từ đầu năm 2017.

[Quân đội Mỹ bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự lớn ở Niger]

Tháng trước, các tay súng du kích thậm chí đã đột nhập vào tận trụ sở của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Mali.

Theo Cơ quan Giám sát viện trợ an ninh chuyên về phân tích chi tiêu an ninh của Mỹ, do mối đe dọa khủng bố lan rộng ở châu Phi, viện trợ chống khủng bố của Mỹ đối với khu vực Cận Sahara, gồm 46 nước, tăng đáng kể trong những năm gần đây (từ 327 triệu USD trong những năm tài chính 2011-2014 lên 954 triệu USD các năm tài chính 2015-2018).

Tuy nhiên, Chiến lược quốc phòng mới của chính quyền Tổng thống Trump chắc chắn sẽ khiến thực tế đó thay đổi. Greg Pollock, quyền Phó trợ lý phụ trách hợp tác an ninh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: "Theo Chiến lược quốc phòng của Mỹ hiện nay, sẽ có sự dịch chuyển nguồn lực trước đây được dành để đối phó với các tổ chức cực đoan bạo lực sang lĩnh vực tối quan trọng là hỗ trợ các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối phó với một số mối đe dọa 'cũ' vừa nảy sinh."

Thực tế hiếm khi được đề cập

Báo cáo về Chiến lược quốc phòng mới nhất được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis công bố vào đầu năm 2018 cảnh báo về sự trở lại của giai đoạn xung đột "quyền lực cường quốc" với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.

Trong bản tóm tắt chưa được giải mật về Chiến lược quốc phòng, châu Phi chỉ được nhắc đến một lần tại đoạn đề cập về tăng cường các liên minh và tìm kiếm những đối tác mới.

Sự thay đổi trên sẽ khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Phi ở trong tình cảnh thường thấy "như cơm bữa."

Bà Alice Hunt Friend, chuyên gia an ninh về châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết: “Các đồng minh của Mỹ tại châu Phi đã từng có một giai đoạn ngắn được hưởng nhiều thiết bị quân sự trên mức cần thiết. Tuy nhiên, bất chấp thực tế Lục địa Đen đã từng nằm trong danh sách ưu tiên của Mỹ, những người hoạt động trong không gian an ninh Mỹ-châu Phi sẽ phải làm việc trong điều kiện bị cắt giảm nguồn lực và điều này sẽ không còn bất bình thường nữa.”

Điều đó không có nghĩa là chiến dịch chống khủng bố ở châu Phi - từ các tay súng Boko Haram ở Nigeria tới những cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Niger- đang bị bỏ rơi.

Quân đội Mỹ hiện có hơn 7.000 binh sỹ được triển khai trên khắp châu Phi, trong đó có 800 binh lính ở Niger, tuy nhiên 4 binh sỹ Mỹ đã bị giết tại quốc gia châu Phi này trong cuộc phục kích hồi năm 2017.

Ở khu vực trung tâm Niger, Mỹ đang chi hơn 100 triệu USD cho cơ sở máy bay không người lái để giúp tìm kiếm những kẻ khủng bố.

Ngoài ra, chương trình của Lầu Năm Góc dành khoản viện trợ hơn 100 triệu USD đối với 7 nước châu Phi có lực lượng được đánh giá là có khả năng nhất để chống lại các tổ chức khủng bố đang ngày càng gia tăng về số lượng.

Khoảng 70 triệu USD của gói hỗ trợ trên sẽ dành cho Uganda; phần viện trợ còn lại dành cho các nước Cameroon, Kenya, Mauritania và Nigeria, với mục tiêu đào tạo nhân lực và mua sắm khí tài như xe Humvee, vũ khí và máy bay không người lái.

Nhưng để các chương trình viện trợ quân sự của Washington phù hợp với tầm nhìn được nêu trong Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị tăng viện trợ cho các quốc gia châu Âu và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được đổi tên (tên cũ là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương).

Điều đó khiến viện trợ của Mỹ đối với châu Phi sẽ ít hơn. Sự tăng cường trên đang được đưa ra ngay cả khi Tổng thống Donald Trump trước đó chỉ trích đồng minh NATO không đóng góp đủ tài chính để được phía Mỹ bảo vệ.

Sự can thiệp của Nga

Đối với Lầu Năm Góc, sẽ là rủi ro để trả lời cho câu hỏi điều gì Bộ Quốc phòng có thể hy sinh trong ngắn hạn nhằm đảm bảo Mỹ luôn ở thế thượng phong trước những đe dọa khó lường, phần lớn đến từ các nước vốn đã từng thách thức ưu thế quân sự của Mỹ.

Ông Pollock đánh giá: "Chắc chắn sẽ tiếp tục có những rủi ro liên quan đến các nhóm khủng bố ở châu Phi. Mỹ cần phải cân bằng những rủi ro ngắn hạn so với các rủi ro mất vị thế chiến lược lâu dài ở Thái Bình Dương và châu Âu."

Ông cho biết Lầu Năm Góc sẽ không thực hiện "sự cắt giảm đột ngột" đối với viện trợ dành cho các nước ở châu Phi mà sẽ dần dần điều chỉnh để phù hợp với Chiến lược quốc phòng mới.

Theo chuyên gia Friend, điều này có nghĩa là chi tiêu cho viện trợ quân sự ở châu Phi sẽ giảm trở lại mức năm 2014, bất chấp các nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng an ninh tại châu Phi vẫn chưa được giải quyết.

Các cuộc phục kích tại Niger

Trong khi đó, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục bị tổn hại. Tháng 10/2017, các tay súng du kích có liên hệ với IS ở Sahara đã phục kích quân đội Nigeria và Mỹ bên ngoài làng Tongo Tongo.

Quân tiếp viện, được hỗ trợ bởi 2 máy bay phản lực Pháp, đã đẩy lùi các tay súng tấn công, nhưng trước đó 4 lính Mỹ đã bị giết và một số binh sỹ khác bị thương. Tháng 6/2018, một lính Mỹ đã thiệt mạng và 4 binh sỹ khác bị thương trong cuộc tấn công của nhóm cực đoan al-Shabaab tại Somalia.

Trái ngược với ý kiến của một số thành viên Quốc hội - gồm cả Thượng nghị sỹ Cộng hòa Nam Carolina Lindsey Graham - về việc cần thiết mở rộng vai trò quân sự của Mỹ ở châu Phi, Lầu Năm Góc cho thấy Bộ Quốc phòng sẵn sàng giảm số lượng binh lính đặc nhiệm tại lục địa này để tăng cường lực lượng cho các khu vực khác.

Theo báo cáo ngày 4/6 vừa qua của New York Times, số lượng binh lính Mỹ tại châu Phi có thể giảm 50% sau kết quả đánh giá số lượng và đặc thù của hoạt động quân sự Mỹ triển khai tại châu lục này.

Chuyên gia an ninh Friend cho biết sự thay đổi trong Chiến lược quốc phòng nhấn mạnh khó khăn ngày càng tăng tại châu Phi trong thời gian qua: "Do các nguyên nhân về chính trị và kinh tế, tình hình khủng bố tại châu Phi diễn biến phức tạp hơn, bất chấp sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Nhưng nếu cả quân đội Mỹ và Pháp rút khỏi châu lục, chính phủ các nước châu Phi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì quyền lực”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục