Các nhà phân tích cho biết quyết định của McDonald's nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và mở rộng mạnh mẽ trước sự “chậm lại” của người tiêu dùng và những căng thẳng địa chính trị trên thế giới có vẻ rủi ro, nhưng lợi nhuận tiềm năng là rất lớn.
Theo Reuters, nhà sản xuất “burger” (bánh mỳ kẹp thịt) có trụ sở tại Mỹ tháng trước đã đạt thỏa thuận mua lại 28% cổ phần của doanh nghiệp Carlyle Group tại Trung Quốc, mang lại cho McDonald’s 48% cổ phần trong các hoạt động trị giá 6 tỷ USD - bao gồm các hoạt động ở Hong Kong và Macau.
Động thái này của McDonald’s trái ngược hoàn toàn với xu hướng phổ biến của các tập đoàn đa quốc gia - những công ty đang tìm cách “thu hồi” những khoản đầu tư của mình tại Trung Quốc hay thậm chí “rút lui hoàn toàn” vì những thách thức kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Jason Yu, Giám đốc Điều hành Trung Quốc của Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Worldpanel, cho biết có một lợi thế cho McDonald's: Đối tác chính của họ trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, CITIC, là một tập đoàn Nhà nước “rất hùng mạnh.”
McDonald's Trung Quốc, Carlyle Group và CITIC từ chối đưa ra bình luận.
Các công ty khác của Mỹ như Starbucks, Apple, chủ sở hữu Tapestry của Coach, và “gã khổng lồ” đồ thể thao Nike, cũng vẫn đang “dành tâm huyết tương tự” đối với thị trường Trung Quốc.
Hàn Quốc phạt McDonald hơn 530.000 USD do rò rỉ dữ liệu khách hàng
Theo các nhà phân tích, Starbucks và Nike đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những đối thủ Trung Quốc có giá [bán hàng] thấp hơn. Điều này cho thấy các hãng nước ngoài cần phải “lanh lẹ” hơn để bảo vệ cũng như tăng thị phần của mình.
“Ông lớn” càphê Starbucks đang bám sát kế hoạch mở rộng và tung ra loại cốc có kích thước nhỏ hơn; Ngược lại, Nike đã cung cấp những đôi giày thể thao cao cấp hơn và được bản địa hóa như Dunk Lows “Năm Con Thỏ” (“Year of the Rabbit” - Năm Quý Mão, theo người Trung Quốc là Năm Con Thỏ).
Trong khi đó, McDonald's đã sử dụng vốn từ khoản đầu tư của Carlyle để tăng gấp đôi số lượng nhà hàng của mình kể từ năm 2017 lên con số 5.500, và Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ hai của họ. Công ty đặt mục tiêu có hơn 10.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2028.
Các đối thủ cạnh tranh của McDonald's, bao gồm nhiều đối thủ bản địa, cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động tại Trung Quốc.
Yum China, hãng điều hành KFC và Pizza Hut, cùng nhiều thương hiệu khác, đã có hơn 14.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc.
“Chuyên gia burger gà” Wallace hồi năm 2021 cho biết họ đã đạt 20.000 cửa hàng; còn “người mới nhập cuộc” Tastien, chuyên về “burger kiểu Trung Quốc," hiện có hơn 3.500 cửa hàng.
Chuyên gia Yu cho biết cần phải số hóa và nội địa hóa hơn nữa, và bản địa hóa sẽ là “chìa khóa” để chinh phục khách hàng trong lĩnh vực nhà hàng “phục vụ hạn chế” trị giá 140,2 tỷ USD của Trung Quốc.
Mặc dù thực đơn của McDonald's tại Trung Quốc quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ, vẫn có những người phù hợp với khẩu vị địa phương, bao gồm cả bánh khoai môn, thay vì táo.
Theo Euromonitor, giá trị thị trường của các nhà hàng “phục vụ hạn chế” ở Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng trung bình khoảng 4% hằng năm cho đến năm 2025. Trong số những nhà hàng tập trung vào burger ở nước này, McDonald's chiếm ưu thế với 70% thị phần.
Ben Cavender, Giám đốc Điều hành và người đứng đầu chiến lược tại Tập đoàn Nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và chi tiêu tiêu dùng “mờ nhạt” trong năm nay đã gây tổn hại đến lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu trên thị trường tiêu dùng của nước này. Tuy nhiên, McDonald's có đủ điều kiện để vượt trội hơn.
Ông cho rằng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu quan tâm đến giá trị, cùng giá thuê [mặt bằng] thương mại thấp hơn trên toàn quốc, sẽ mang lại lợi thế cho những doanh nghiệp như McDonald’s.
“Nếu có lúc nào đó phải ‘đánh mạnh hơn’ vào thị trường Trung Quốc thì chính là thời điểm hiện nay” - ông nói./.