Các năm trước, ngân hàng thường công bố lợi nhuận sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm, song đến nửa cuối tháng 7/2023, nhiều tổ chức tín dụng vẫn tỏ ra kín tiếng. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đã giảm tốc và sẽ có độ phân hóa mạnh trong năm 2023 và 2024.
Nguồn thu từ các dịch vụ giảm
LPBank là ngân hàng đầu tiên đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/6, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn hoàn thành 41% kế hoạch năm.
Ngày 19/7, TPBank công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Sự suy giảm về lợi nhuận của LPBank và TPBank chưa mang tính đại diện cho ngành, nhưng phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém đi của các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng.
[Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Lãi vay đã giảm tới 3%/năm]
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng vừa đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm trước.
Theo VCBS, yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh toàn ngành là sự sụt giảm thu nhập ngoài lãi ở hầu hết các hoạt động chính so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, thu hồi nợ xấu ngoại bảng đều gặp khó khăn.
Trong đó, thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) vốn chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ, bị ảnh hưởng do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.
"Sau 4 tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ, lãi từ phí bảo hiểm cả năm theo đó dự báo giảm 10%-15%," chuyên gia VCBS nhận định.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục thu hẹp trong quý 2 khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết đồng thời nguồn vốn giả rẻ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm mạnh. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, tuy nhiên mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng khác nhau.
Trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước NIM duy trì mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu 2023. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào sẽ có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA cao và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.
SSI Research cũng vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 của 32 doanh nghiệp niêm yết trong đó có 17/32 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm.
Những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, Sacombank, VIB. Ở chiều ngược lại, ACB, Techcombank, VPBank bị dự báo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng nhưng mục đích chính của nhà điều hành là tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, NIM của các ngân hàng sẽ không hưởng lợi nhiều từ quyết định này.
Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay ghi nhận giảm khoảng 1% tại các khoản vay phát sinh mới, tuy nhiên thời điểm giảm của các khoản vay hiện hữu có độ trễ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.
Nợ xấu tăng cao
Chuyên gia của VCBS cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc này đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Nguy cơ nợ xấu gia tăng đã được nhiều ngân hàng lường trước từ đầu năm nay. Ngay cả ông lớn Agribank, vốn có thành tích xử lý nợ xấu rất tốt 5 năm trước đây (giai đoạn 2016-2020 đưa nợ xấu từ 8,1% xuống còn 1,86%) hiện cũng đang nóng ruột vì nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn,” ông Ấn cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết thời gian qua, việc thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank kiến nghị cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng.
“Theo tôi, người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Ngân hàng cần phải có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ,” Tổng giám đốc VPBank kiến nghị.
Các chuyên gia ngân hàng cũng đánh giá, trên thực tế con số nợ xấu sẽ tăng hơn trong năm 2024 bởi một lượng lớn nợ xấu đã được “ẩn” nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ.
Thông tư số 02 được ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng nợ xấu bị đẩy về tương lai, Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định tại Thông tư, các tổ chức phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024./.