Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng?

Theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát sườn đồi, núi.

Các phương tiện máy móc tập trung xử lý hàng ngàn mét khối bùn đất trong vụ sạt lở ở Hà Giang. (Ảnh Đức Thọ/TTXVN)
Các phương tiện máy móc tập trung xử lý hàng ngàn mét khối bùn đất trong vụ sạt lở ở Hà Giang. (Ảnh Đức Thọ/TTXVN)

Trước tình hình sạt lở đất xảy ra liên tiếp trên cả nước những ngày qua, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc; điển hình là vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở tỉnh Hà Giang sáng 13/7 làm 11 người chết, 4 người bị thương và vụ sạt lở đất ở tỉnh Lâm Đồng trưa 15/7 vùi lấp 1 căn nhà và 1 người tử vong, các chuyên gia địa chất cho rằng việc ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến để phục vụ nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở là hết sức cần thiết.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để làm rõ vấn đề này.

- Thời gian qua, nhiều vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng đã xảy ra, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Việt Nam cần xây dựng những tiêu chí cụ thể nào để khoanh định, phân vùng những nơi có nguy cơ sạt lở cao?

Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn: Nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng, trong đó phải kể đến các yếu tố: địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng, thủy văn...

Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người đang ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như: phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản...

Có thể nhận thấy những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ cao, rất cao về trượt lở đất đá thường có ít dân cư sinh sống nên thiếu ghi nhận thiệt hại xảy ra ở đây. Những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ trung bình hoặc thấp đối với trượt lở đất đá thường có mật độ dân cư cao, tập trung rất nhiều hoạt động nhân sinh.

Hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát các sườn đồi, núi, vách taluy cao dốc. Cá biệt, một số khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá thấp lại thường nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nguy cơ lũ quét cao và rất cao.

ttxvn_sat lo ha giang 2.jpg
Huy động phương tiện đào bới, tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp ở Hà Giang. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Để phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam, trước hết, cần xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá. Cần phải có được đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu của các bản đồ thành phần như bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá để phân tích, đánh giá tổng hợp, tích hợp, từ đó mới có thể xây dựng và đề xuất được Bộ tiêu chí đánh giá và khoanh định các khu vực có nguy cơ cao về trượt lở đất đá.

Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỷ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các "khu vực nhạy cảm" về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.

Việc áp dụng các tiêu chí nêu trên giúp phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được danh sách với tỷ lệ 1:10.000; đồng thời, lập được danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỷ lệ 1:5.000. Các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau từ cao, trung bình, thấp và là cơ sở khoa học cụ thể để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

- Trước tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào để giám sát và dự báo tình trạng sạt lở đất đá tại các địa phương hay xảy ra sạt lở, thưa ông?

Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn: Đến nay, công tác nghiên cứu về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; giám sát và dự báo trượt lở đất đá tại Việt Nam đã được triển khai ở nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Những năm gần đây, Viện đã chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan tới lĩnh vực này.

Cụ thể như xây dựng hệ thống thử nghiệm cho cảnh báo sớm một khối trượt lở đất tại Tương Dương, tỉnh Nghệ An; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam; nghiên cứu lắp đặt các thiết bị cảnh báo sạt lở đất theo thời gian thực tại các địa điểm Mù Cang Chải (Yên Bái), Bát Xát, thành phố Sa Pa (Lào Cai)...

ttxvn_sat lo lam dong.jpg
Sạt lở đất vùi lấp nhà dân ở Lâm Đồng. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng Bộ tiêu chí và xác định các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát để cảnh báo sớm theo thời gian thực về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn dùng chung thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời gian thực khu vực miền núi, trung du Việt Nam...

Hiện, Viện đang triển khai thực hiện 2 Đề án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi và “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam."

- Thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn biến phức tạp. Theo ông, thời gian tới, Việt Nam cần có những giải pháp nào để giảm thiểu thiên tai, trong đó có trượt lở đất đá?

Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn: Việc nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá phụ thuộc nhiều vào cơ sở dữ liệu của công tác điều tra, phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá toàn quốc ở các tỷ lệ.

Đến thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.

Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung; do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu.

Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít, hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản.

Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.

Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá theo thời gian thực tại một số địa điểm là những công cụ vô cùng quan trọng cho công tác cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra. Tuy nhiên, công tác chế tạo, nội địa hóa các thiết bị cảnh báo sớm trượt lở đất đá mới chỉ thu được những kết quả thử nghiệm ban đầu.

Do vậy, việc ứng dụng, nâng cấp các phiên bản mới với tính năng mới cho các thiết bị, thử nghiệm tại nhiều khu vực khác nhau là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi nỗ lực triển khai đào tạo nhân lực, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; trao đổi học tập kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục