Vì sao kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng nhưng chưa bứt phá?

Kinh tế thành phố vẫn còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng chung của biến động thị trường thế giới, giá cước vận tải quốc tế cao dẫn đến giá nguyên liệu tăng, hàng hóa khó cạnh tranh.

Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)
Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng chưa có bứt phá, giải ngân đầu tư công vẫn ì ạch so với chỉ tiêu được giao. Điều này tạo áp lực cho những tháng còn lại trong việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm của thành phố.

Đây là nội dung được nhiều sở, ngành nhận định tại Phiên họp kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 1/10.

Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9 năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong quý 2 năm 2024. Trong số đó, ngành khai khoáng tăng 46,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,4%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ; trong đó, có 15/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng và 8/23 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm.

Một số ngành tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15%.

Trong 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước thực hiện 269.288,6 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Về đầu tư công, tính đến hết ngày 27/9, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân là hơn 15.802 tỷ đồng, đạt 19,9% so với kế hoạch vốn năm 2024.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng, tồn kho hàng hóa giảm.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng có tín hiệu lạc quan khi tăng 10,2%, nhập khẩu tăng 6,5%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 9 tháng ước đạt 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ; trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22,2% và đặc biệt thu từ xuất, nhập khẩu đã tăng 1,2% sau một thời gian liên tục giảm.

Tuy nhiên, kinh tế thành phố vẫn còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng chung của biến động thị trường thế giới, giá cước vận tải quốc tế cao dẫn đến giá nguyên liệu tăng, hàng hóa khó cạnh tranh.

Thêm vào đó, tiến độ giải ngân cho các công trình trọng điểm chưa đạt yêu cầu dẫn đến kết quả giải ngân đầu tư công đạt thấp so với chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phân tích thêm các chỉ số cho thấy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu hướng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Theo đó, tăng trưởng GDP quý 3 ước tính đạt 7,3%, tính chung 9 tháng đạt 6,8%.

Thu ngân sách nhà nước tăng và thu xuất nhập khẩu là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã ổn định. Trong các trụ cột tăng trưởng chính, hoạt động sản xuất công nghiệp có tăng trưởng tích cực, chỉ số tiêu thụ tăng, tồn kho giảm cho thấy nhu cầu của thị trường đang tăng.

vnp_thanh pho ho chi minh (3).jpg
Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Các doanh nghiệp cũng đang trong chu kỳ tăng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cuối năm. Hoạt động du lịch phục hồi tốt và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, hoạt động bán buôn bán lẻ tăng khá nhưng xét về quy mô thị trường tiêu dùng thực tế chỉ mới tương đương năm 2020.

Các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm 2024, một số doanh nghiệp có đơn hàng cho năm 2025 nhưng chi phí nguyên liệu, sản xuất, tiền lương đều tăng, hàng hóa khó cạnh tranh với các nước khác.

Chỉ số dư nợ tín dụng 9 tháng tăng trưởng 11% nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra là 15%, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện nhiều. Giải ngân đầu tư công quá chậm đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác.

Quy mô doanh nghiệp của thành phố có xu hướng ngày càng nhỏ; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng quy mô vốn giảm. Theo thống kê, cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 6 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 đạt 7,5% thì đồng nghĩa quý IV, thành phố phải tăng trưởng 9,5%, đây là thách thức rất lớn. Ủy ban Nhân dân Thành phố cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao của từng đơn vị, sở ngành.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông tin nhìn chung, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đã ổn định trở lại nhưng thách thức cũng không nhỏ.

Theo đó, số lượng đơn hàng tăng nhưng đơn giá bị hạ thấp, hàng rào kỹ thuật-xanh ngày càng cao. Đơn hàng lớn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp thuần Việt vẫn phải “chạy ăn từng bữa.”

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, thành phố đã khơi thông nguồn vốn với chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng nguồn lực đất đai cho doanh nghiệp vẫn đang tắc. Vì vậy, để đẩy nhanh đà tăng trưởng, thành phố cần có cơ chế giải quyết các vướng mắc về đất đai nhanh, gọn, hiệu quả hơn.

Về tiêu dùng, thương mại những tháng cuối năm dự báo sẽ tăng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới gây thất thu thuế và cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng vẫn chưa có đột phá.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiệm vụ trong những tháng còn lại năm 2024 là rất nặng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5%. Do đó, trong quý IV thành phố phải tập trung cao độ chạy nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu của năm.

Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị rà soát lại nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt; giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng theo từng nhóm vấn đề, chia chỉ tiêu cho từng tháng để hoàn thành giải ngân đầu tư công cả năm đạt 95% chỉ tiêu được giao.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Văn phòng Ủy ban Nhân dân phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân; liệt kê các dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Thủ Thiêm và các dự án lớn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng; do đó, các sở, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp cần phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục