Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Ngoài ra, hệ số an toàn vốn toàn hệ thống theo đánh giá là chưa tin cậy.
Đây là nội dung trong "Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm" vừa được Kiểm toán Nhà nước chia sẻ.
Vi phạm giới hạn góp vốn, mua cổ phần
Theo đánh giá, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 đã góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Kết quả cho thấy, các tổ chức tài chính, ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi. Ví dụ lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hơn 4.528 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh là trên 197 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Tái báo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare),...
[Doanh nghiệp Nhà nước ôm nợ lớn, rủi ro mất cân đối tài chính]
Tuy nhiên, về tồn tại, theo báo cáo, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt Ngân hàng thương mại cổ phần: Bảo Việt, Đông Nam Á, Nam Á, Đại Chúng, Việt Nam Thương Tín với tổng dư nợ vượt 6.988 tỷ đồng.
Có tình trạng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, đơn cử như Ngân hàng thương mại cổ phần: Sài Gòn Thương Tín và Kiên Long sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau. Ngoài ra, 5 tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại cổ phần: Hàng hải, Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Xây dựng Việt Nam, Đại Dương và Agribank) nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, theo đánh giá, Ngân hàng Nhà nước chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ trọng tiền mặt xuống dưới 10% tổng phương tiện thanh toán theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, giai đoạn 2011 đến 2017, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở mức gần 12%.
Hệ số an toàn vốn (Car) của hệ thống theo Kiểm toán Nhà nước là chưa tin cậy. Cơ quan chức năng chỉ ra, loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm “cải thiện ảo” hệ số Car.
Đầu tư tài chính không hiệu quả
Cũng theo kết quả kiểm toán, một số đơn vị chưa xử lý dứt điểm công nợ tồn đọng từ nhiều năm. Ví dụ như tại Bảo Minh, khoản nợ phí bảo hiểm gốc quá hạn trên 3 năm là 137 tỷ đồng. Tại Vinare, các khoản phải thu không xác định được nguyên nhân, không có đủ hồ sơ, phát sinh năm 1999, 2005, 2008 lên tới 8,4 tỷ đồng,...
Đầu tư tài chính của đơn vị theo đánh giá là không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Ví dụ Agribank đầu tư 2.391 tỷ đồng vào 6 công ty con, qua đó cổ tức/lợi nhuận được chia năm 2017 là 12 tỷ đồng; trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư, 5/6 công ty con lỗ lũy kế.
Agribank cũng có khoản đầu tư khác 47 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng.
Hay với Bảo Minh, một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của đơn vị này phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Đơn cử, Bảo Minh chưa ghi nhận kịp thời doanh thu các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm 20,3 tỷ đồng, chi bồi thường không đúng quy định 2,6 tỷ đồng, trích thiếu dự phòng các loại 68,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, cơ quan kiểm toán nêu lên: Ngân hàng chính sách xã hội xóa nợ 95,37 tỷ đồng cho 9.187 khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của Ủy ban Nhân dân và công an xã, phường là không phù hợp với quy định./.