Vì sao giáo viên Hàn Quốc có tâm lý sợ hãi phụ huynh và học trò?

Là đất nước đề cao giáo dục, nhưng vị thế của giáo viên tại Hàn Quốc lại rất thấp và các thầy cô phải chịu áp lực nặng nề mỗi khi lên lớp thực hiện công việc đào tạo con người của mình.
Vì sao giáo viên Hàn Quốc có tâm lý sợ hãi phụ huynh và học trò? ảnh 1Giáo viên Hàn Quốc biểu tình trước Quốc hội vào tháng 9 năm nay. (Nguồn: CNN)

Khi một cuộc xô xát xảy ra trong một lớp học ở bậc tiểu học của Kang Hyeon-joo, tim cô đập nhanh đến mức bản thân không thể thở nổi và mắt thì mờ đi. "Học trò đấm đá vào mặt nhau, quăng bàn ghế lung tung," cô nhớ lại và cho hãng tin CNN biết rằng mình đã bị thương khi cố gắng can ngăn vụ ẩu đả.

Trong hai năm trời, Kang đã gặp nhiều khó khăn trong việc kỷ luật học sinh, hoặc nói đúng hơn là phải đương đầu với phản ứng dữ dội của phụ huynh mỗi khi làm vậy. Kang cho biết hiệu trưởng không làm gì để giúp đỡ mình, chỉ nói rằng cô "hãy nghỉ một tuần".

Áp lực công việc đã mang tới những hậu quả nguy hiểm. Kang nói rằng cô bắt đầu cảm thấy bị thôi thúc bởi ý muốn nhảy ra chắn đầu một chiếc xe buýt (để tự sát). “Nếu làm vậy (tự tử), ít nhất tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Giả sử nếu nhảy từ một tòa nhà cao tầng, ít nhất tôi cũng có được chút cảm giác bình yên,” cô chia sẻ.

Kang hiện đang trong thời gian nghỉ phép vì ốm, nhưng cô không phải là giáo viên duy nhất có trải nghiệm tồi tệ với công việc. Những tháng gần đây, hàng chục nghìn giáo viên Hàn Quốc đã biểu tình, kêu gọi việc được bảo vệ tốt hơn trước phụ huynh và học sinh.

Theo các nhà tổ chức, đã có tới 200.000 người tham gia một cuộc biểu tình ở Seoul vào tháng trước, buộc chính quyền phải chú ý và giải quyết vấn đề.

Những vụ tự sát của giáo viên

Hoạt động phản kháng của đội ngũ giáo viên Hàn Quốc xuất hiện sau vụ tự sát của một giáo viên lớp một, người đang trong độ tuổi 20, vào tháng Bảy năm nay. Nữ giáo viên này được tìm thấy đã chết trong lớp học của cô ở ở Seoul. Khi thông báo về trường hợp của cô, cảnh sát có đề cập đến một học sinh có vấn đề, cũng như việc phụ huynh gây áp lực. Nhưng cảnh sát chưa đưa ra lý do chính xác về nguyên nhân khiến cô tự sát

Vì sao giáo viên Hàn Quốc có tâm lý sợ hãi phụ huynh và học trò? ảnh 2Vòng hoa được đặt tại một trường tiểu học ở Seoul sau vụ tự sát của một giáo viên. (Nguồn: CNN)

Kể từ tháng 7, đã có thêm vài giáo viên tự sát. Một số vụ có liên quan tới căng thẳng ở trường học, theo lời các đồng nghiệp và thân nhân của người đã khuất chia sẻ với CNN.

Dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc cho thấy khoảng 100 giáo viên trường công đã tự sát trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023. 11 người trong số đó này đã tự sát trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng con số chính thức không nêu rõ yếu tố nào dẫn đến cái chết của họ.

Sung Youl-kwan, một giảng viên chuyên ngành giáo dục tại Đại học Kyung Hee cho biết tốc độ và quy mô của các cuộc biểu tình của giáo viên khiến nhiều người ngạc nhiên. “Tôi nghĩ rằng đã xuất hiện một cảm giác chung (trong cộng đồng giáo viên) rằng chuyện này rồi cũng có thể xảy ra với mình,” ông chia sẻ.

Các giáo viên chỉ ra rằng một đạo luật chống lạm dụng trẻ em được xây dựng hồi năm 2014, với mục tiêu ban đầu nhằm bảo vệ trẻ em, là một trong những lý do chính khiến họ cảm thấy không thể kỷ luật học sinh. Họ sợ bị phụ huynh kiện vì đã "gây đau khổ tinh thần" cho học sinh.

“Trường học là rào cản cuối cùng để học sinh hiểu rằng thứ gì được làm và thứ gì không được làm trong cuộc sống. Nhưng giờ chúng tôi không thể làm gì cả. Nếu dạy dỗ học sinh, chúng tôi có thể bị buộc tội”, Ahn Ji-hye, một giáo viên tiểu học từng tham gia tổ chức các cuộc biểu tình trước đây, cho biết.

Ahn cho biết các bậc phụ huynh đã liên tục gọi điện thoại vào máy cô, từ 6 giờ sáng đến 11 giờ tối, chỉ vì họ muốn "kiện cáo" hoặc thắc mắc với cô về con cái mình.

Thay đổi luật nhưng vẫn "chưa đủ"

Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho ban đầu cảnh báo các giáo viên rằng đình công tập thể là hoạt động bất hợp pháp. Nhưng quan điểm này đảo ngược nhanh chóng. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã tiến hành nhiều hoạt động sửa luật để nhanh chóng thông qua quy định mới.

Vì sao giáo viên Hàn Quốc có tâm lý sợ hãi phụ huynh và học trò? ảnh 3Cô giáo Kang Hyeon-joo đang phải xin nghỉ dưỡng bệnh sau thời gian dài chịu áp lực lớn trong công việc. (Nguồn: CNN)

Một trong những thay đổi quan trọng là mang tới cho các giáo viên một số biện pháp bảo vệ. Theo đó, giáo viên sẽ không bị kiện nếu việc kỷ luật học sinh của họ được coi là một hoạt động giáo dục hợp pháp. Ngoài ra, trách nhiệm giải quyết các khiếu nại và cả đơn kiện do phụ huynh đưa ra sẽ thuộc về hiệu trưởng.

“Cho đến giờ, chúng ta đã tạo ra một nền văn hóa, trong đó hiệu trưởng có xu hướng chuyển những trách nhiệm này cho giáo viên”, ông Sung nói với CNN.

Luật mới cũng sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như số điện thoại di động của họ. Phụ huynh sẽ phải liên hệ với nhà trường nếu có thắc mắc hoặc khiếu nại, thay vì trực tiếp làm việc với giáo viên.

Chưa rõ quy định này có hiệu quả nay không. Ahn nói rằng trước đây nếu giáo viên không cung cấp số điện thoại, phụ huynh thường tìm tới bãi đỗ xe và ghi lại số điện thoại của thầy cô để ở trên xe để liên lạc với họ. Cô cho biết thêm rằng người Hàn Quốc có thói quen để lại số điện thoại sau kính chắn gió chiếc xe của họ.

Ahn hoan nghênh những thay đổi pháp lý mới là “có ý nghĩa”. Nhưng cô cho rằng các đạo luật khác như Luật Phúc lợi Trẻ em và Luật Trừng phạt Lạm dụng trẻ em cũng cần phải được sửa đổi. Những luật trên vẫn cho phép người ta kiện cáo giáo viên chỉ vì họ nghi ngờ giáo viên có hành vi không đúng mực. Cô cũng cho biết các cuộc biểu tình sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo ông Sung, những sửa đổi về luật sẽ tỏ ra hữu ích trong ngắn hạn. Nhưng ông cảnh báo luật pháp nên được coi là một tấm lưới an toàn, chứ không phải là một giải pháp.

Vấn đề nằm ở luật hay văn hóa?

Các nhà phê bình cho rằng xã hội Hàn Quốc đề cao sự thành công trong học tập, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi phụ huynh đặt giáo viên - và rộng hơn là hệ thống giáo dục - dưới áp lực khổng lồ.

Thông thường sau các giờ học bình thường, học sinh Hàn Quốc phải theo học tại một trường luyện thi, gọi là hagwon. Học thêm ở đây không còn là hoạt động bồi bổ kiến thức mà đã trở thành một yêu cầu cơ bản, và tốn kém, để một cá nhân có thể thành công.

Vào ngày thi đầu vào đại học, còn gọi là suneung trong tiếng Hàn, máy bay tại một số nơi thậm chí không được cất cánh và giờ đi lại cũng được điều chỉnh, để đảm bảo học sinh có sự tập trung cao nhất. "Chúng tôi có một nền văn hóa đặc biệt, trong đó phụ huynh thường chỉ sinh một con và họ sẵn sàng đổ mọi nguồn lực tài chính cũng như cơ hội cho đứa con này," ông Sung cho biết. “Áp lực hay nỗi ám ảnh về học tập, đôi khi là nỗi ám ảnh với điểm cao và thành tích cao, không phải là môi trường tốt cho giáo viên vì họ phải chịu áp lực từ phụ huynh”.

Sung cho biết thời mà giáo viên được tôn trọng đã trôi qua từ lâu và điều này diễn ra không chỉ ở Hàn Quốc mà còn tại nhiều nơi khác trên thế giới. Quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh hiện đã thay đổi nhiều tới mức không thể nhận ra so với thời điểm cách nay chỉ một hoặc hai thập kỷ.

“Trong các chính sách giáo dục, phụ huynh được coi như người tiêu dùng, có quyền lợi của họ, còn trường học và giáo viên được coi là bên cung cấp dịch vụ”, ông Sung nói, cho biết thêm rằng phụ huynh đã hình thành niềm tin rằng họ “có quyền yêu cầu nhiều thứ từ trường học”.

Hiện nay, mức độ hài lòng của các giáo viên Hàn Quốc đang rất thấp. Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Lao động Giáo viên thực hiện hồi tháng 4 năm nay cho thấy 26,5% giáo viên được hỏi đã thừa nhận việc phải trải qua hoạt động tư vấn, hoặc điều trị tâm lý do công việc. Khoảng 87% cho biết họ đã cân nhắc chuyển việc hoặc bỏ việc trong năm qua - một con số khiến người ta không khỏi bị sốc khi biết giáo dục luôn được coi là trung tâm của sự thành công tại Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục