Liên quan đến thông tin Tư vấn ACT (Pháp) đưa ra cảnh báo đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông, trong đó có những yếu tố liên quan đến an toàn, đã khiến nhiều người dân lo lắng.
Nhiều câu hỏi đặt ra là các cảnh báo này có thực sự đáng ngại hay không? Với các cảnh báo mất an toàn sẽ xử lý ra sao? Ai chịu trách nhiệm khi vận hành dự án xảy ra rủi ro?
Cùng với đó là câu hỏi, tại sao dự án sử dụng tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng tư vấn lại đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu?
Lệch pha chuẩn Âu-Á
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được Tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống vào ngày 29/4.
Tuy nhiên, đi kèm đó, tư vấn ACT cũng đưa ra 16 khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu theo các nhóm gồm: Dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; nhân sự chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác; Tổng thầu EPC Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm.
Giải thích về vấn đề này, theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ngay từ đầu ký hợp đồng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, theo Luật Đường sắt và quy chuẩn của Trung Quốc không có đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến 2017, công trình xây dựng xong và lắp đặt thiết bị để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác, lúc này Luật Đường sắt đã bổ sung quy định đánh giá an toàn, đặc biệt đây lại là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam.
"Thời điểm đó, để đánh giá an toàn dự án, nước ta chưa có kinh nghiệm nên phải thuê Tư vấn là bên thứ 3 để đánh giá độc lập, khách quan và minh bạch, sau đó đã tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn tư vấn đánh giá an toàn và lựa chọn được đơn vị Tư vấn ACT trúng thầu," đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Đặc biệt, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông thực hiện phần lớn theo tiêu chuẩn của Trung Quốc bao gồm từ thiết kế, thi công, nghiệm thu tới vận hành khai thác. Trong khi đó, Tư vấn ACT lại đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu nên mới xảy ra sự “lệch pha” giữa tiêu chuẩn.
Độ trễ về thời gian thi công ảnh hưởng tiêu chí đánh giá
Bên cạnh sự vênh nhau giữa công nghệ Á (của nhà thầu Trung Quốc) và công nghệ Âu (đánh giá của tư vấn Pháp), một vấn đề nữa ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá đó là vấn đề thời gian thì công của dự án.
Theo đó, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010-2011, trong khi một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay, tức là sau 10 năm, nên sẽ có những bất cập bởi mức độ phát triển của công nghệ rất nhanh.
[Tư vấn Pháp đã cấp chứng nhận an toàn cho đường sắt Cát Linh-Hà Đông]
Cụ thể, tiêu chuẩn tàu điện đô thị của Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn với hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, không đánh giá và cấp chứng nhận an toàn cho các hạng mục hệ thống điện kéo, phanh điện của đoàn tàu và các hệ thống còn lại của dự án, trong khi đó tiêu chuẩn châu Âu lại yêu cầu đánh giá.
Theo một chuyên gia giao thông, thực tế đối với tiêu chuẩn thiết kế xây dựng đường sắt đô thị tại các nước châu Á nói chung, trong đó có Trung Quốc, đều không có quy định phải đánh giá an toàn hệ thống.
Thông lệ chung, các nước sẽ tiến hành kiểm tra nghiệm thu từng phần như xây lắp, thiết bị... bảo đảm đúng khối lượng và các tiêu chuẩn thiết kế. Sau đó, cho vận hành thử từ 6-9 tháng, khi thấy không có trục trặc hoặc vấn đề nghiêm trọng xảy ra, sẽ quyết định đưa vào vận hành khai thác thương mại.
“Bản chất việc đánh giá an toàn hệ thống là phát hiện và đưa ra những khuyến cáo phòng ngừa rủi ro khi vận hành khai thác. Đây thực chất là một công việc để tạo dữ liệu đầu vào phục vụ cho công tác quản lý rủi ro hoặc hệ thống quản lý an toàn. Khi những khuyến cáo được đưa ra, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, nhà khai thác công trình, thiết bị nếu giải quyết được ngay hoặc có giải trình, giải pháp khắc phục trước mắt, lâu dài thì cũng được xem xét để triển khai. Những khuyến cáo đó vẫn được đơn vị tư vấn đánh giá bảo lưu và nêu vào chứng chỉ,” vị chuyên gia này cho hay.
Chờ nghiệm thu xong mới đưa vào khai thác
Sau khi tiếp nhận các khuyến cáo trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đó là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Từ tháng 1-3/2021, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã khắc phục và hoàn thành sửa chữa theo các khuyến nghị mà Tư vấn ACT đưa ra.
Mặt khác, Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành) cũng đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật... đồng thời thuê tư vấn nước ngoài để hỗ trợ vận hành và hoàn thiện hệ thống trong một năm. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thiện các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Công ty Metro Hà Nội.
Hiện 13 đoàn tàu đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Các đoàn tàu đã vận hành thử hơn 15.000km đảm bảo an toàn. Dự án cũng đã được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu.
Cuối tháng 4/2021, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp thực hiện việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo đánh giá an toàn hệ thống của Tư vấn Pháp ACT.
[Bộ GTVT đề nghị nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông]
“Dự án được thực hiện đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án. Tư vấn ACT (Pháp) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Hồ sơ nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được Bộ Giao thông Vận tải gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng từ cuối tháng Tư vừa qua,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Thừa nhận đường sắt Cát Linh-Hà Đông là công trình đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam với yếu tố mới, đặc thù, phức tạp về công nghệ và tổ chức vận hành, chưa có công trình tiền lệ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các thành viên của Hội đồng cũng đang tiến hành kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, kinh nghiệm quốc tế và đánh giá một cách thận trọng, kỹ lưỡng cũng như toàn diện nhất trước khi thống nhất kết quả đánh giá cuối cùng, sau đó mới chính thức bàn giao cho Hà Nội để vận hành thương mại./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Theo tính toán, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). |