Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng?

Một nhân viên ngân hàng tốt không chỉ biết tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp đặc thù doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tiết kiệm chi phí.
Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù chiếm đông đảo tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp siêu nhỏ lại chưa thực sự được nhiều ngân hàng chú ý đến. Những hứa hẹn, cam kết cho vay trên giấy, không thực chất đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thêm thiếu tự tin khi gõ cửa ngân hàng vay vốn.

Doanh nghiệp nhỏ khó trăm bề

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay, 97% là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số này lại có đến 85-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Khi điệp khúc khó vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từ rất lâu chưa được giải quyết rốt ráo thì câu chuyện tín dụng với đối tượng “siêu nhỏ” này còn trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Trong số gần một phần tư doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng mà các số liệu thống kê đang chỉ ra thì số doanh nghiệp siêu nhỏ lọt vào nhóm này gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trên thực tế, tùy theo “gu” của mỗi ngân hàng, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có thể được xác định dựa trên mức doanh thu trong năm. Dù cách xác định có thể khác nhau đôi chút nhưng các ​ngân hàng đều khẳng định, khách hàng siêu nhỏ (với doanh thu khoảng dưới 10 tỷ đồng/năm) là phân khúc gần như họ chưa động tới.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng. 70% còn lại vô cùng khó khăn trong tiếp cận vốn, lúc vay được, lúc không nên dẫn đến việc khó lên kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Một trong những lý do chính là thiếu tài sản đảm bảo. Trong nhiều năm trở lại đây, bài toán cho vay tín chấp được đặt ra rất nhiều lần nhưng thực tế các ngân hàng vẫn không dám “thả gà ra đuổi” bởi tín nhiệm của các doanh nghiệp lẫn chủ công ty chưa khiến họ yên tâm.

Lý giải về nguyên nhân ‘bỏ rơi’ nhóm khách hàng siêu nhỏ, đại diện một ngân hàng cổ phần nói thẳng không dễ để tạo nhiều lợi nhuận từ nhóm này. “Hiện giờ phần lớn các ngân hàng vẫn thích chính sách hớt váng hơn, tức là tập trung vào khách hàng tốt, thu nhập cao, dễ thu hồi nợ, lợi nhuận đem về cho ngân hàng cũng ổn định,” Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng? ảnh 2Giao dịch tại VPBank. (Nguồn: VPBank)

Đổi mới tư duy cấp vốn: Muộn còn hơn không

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cái “yếu” lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là “nghèo” tài sản đảm bảo, “thiếu” quan hệ để vay ngân hàng mà là “kém” trong quản trị dòng tiền. Với một doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí siêu nhỏ, chỉ cần quản lý tốt dòng tiền đã là một cách sinh lời tự nhiên.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phụ trách phân khúc doanh nghiệp nhỏ chia sẻ, một nhân viên ngân hàng tốt không chỉ biết tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp đặc thù doanh nghiệp mà họ còn giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tiết kiệm chi phí, tranh thủ nguồn vốn giá rẻ hay các ưu đãi phí.

“Đơn cử, khi đọc được thông tin thay đổi thuế ôtô nhập khẩu từ 1/7 tới, ngay từ đầu năm, một số giám đốc trung tâm của chúng tôi đã ngay lập tức trao đổi với các chủ showroom để chuẩn bị nguồn vốn “găm” xe, chuẩn bị tung bán sau 1/7. Thực sự người nhân viên tốt sẽ giúp được doanh nghiệp rất nhiều: chuẩn bị sẵn hồ sơ vay tín chấp, hồ sơ vay dạng chuỗi nhà cung cấp, lên lịch giải ngân… Ở trường hợp này, các giám đốc của chúng tôi không chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ vay như các doanh nghiệp thường hiểu. Họ thực sự đồng hành cùng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,” vị đại diện này cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng nên tìm cách hướng dẫn doanh nghiệp quản lý dòng tiền tốt. Một số ngân hàng hiện nay đã nhìn ra điều này, thay vì đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh có nhà, có xe khi đi vay, họ sẵn sàng đưa ra các chương trình chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đại diện VPBank chia sẻ: “Nhân viên của chúng tôi được đào tạo để thành nhà tư vấn tài chính thay vì trở thành một nhân viên kinh doanh thuần túy. Tôi tin đó mới là điều các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần ở một tổ chức tài chính như VPBank. Khi người chủ doanh nghiệp muốn dùng một sản phẩm ngân hàng sẵn có, họ có thể đến bất cứ ngân hàng nào. Nhưng khi họ cần gợi ý về giải pháp tài chính có lợi cho việc kinh doanh của họ, họ sẽ tìm đến VPBank.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục