Để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về tài chính trả lương cho lao động ngừng việc do ảnh hưởng của COVID-19, một gói tín dụng 16.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 0%/năm.
Thế nhưng, sau hơn một tháng triển khai, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được với gói tín dụng này.
Tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc tích cực để triển khai gói tín dụng này, ban hành hàng lang pháp lý rõ ràng và cũng chuẩn bị sẵn nguồn tiền để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành gửi về, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói tín dụng này.
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng được triển khai dựa trên Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điều kiện để người sử dụng lao động tiếp cận gói tín dụng này là có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
Đồng thời, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc.
Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
[Gói lãi suất 0% hỗ trợ người lao động chưa giải ngân được món vay nào]
“Mục đích của gói tín dụng này là để hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động lành nghề, có năng lực trình độ… sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của COVID-19. Chỉ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau dịch, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn thì mới tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Trên thực tế, đây là những điều kiện khó khăn nên doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được,” ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các tiêu chí để doanh nghiệp sớm tiếp cận được với gói tín dụng này.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 07/05/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42 và Quyết định 15 trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% số tiền 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
“Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng cũng đã nêu cụ thể đối tượng được hỗ trợ từ gói tín dụng này cũng như trách nhiệm của từng bộ ngành và với vai trò đầu mối là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… Thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ điều chỉnh, bổ sung quy định để gói tín dụng đến tay doanh nghiệp,” Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Hiện gói tín dụng 16.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước chuyển đủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo quy định, việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.
Trường hợp đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân hết thì chậm nhất đến 15/8/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất trong 5 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo./.