Vì sao doanh nghiệp bị nhái sản phẩm nhưng không dám lên tiếng?

Nhận thức bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế, đến khi sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái đầy rẫy thị trường mà nhiều doanh nghiệp vẫn không dám lên tiếng, lý do vì đâu?
Vì sao doanh nghiệp bị nhái sản phẩm nhưng không dám lên tiếng? ảnh 1Lực lượng chức năng tiêu hủy các mặt hàng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp bị làm giả làm nhái, nhưng rất nhiều doanh nghiệp lại không hề có động thái gì về việc này.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thuộc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc làm giả, làm nhái sản phẩm gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng xấu đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị làm nhái, giả không dám lên tiếng vì sợ giảm sức mua của thị trường.

Về thực trạng doanh nghiệp bị làm giả làm nhái không lên tiếng, theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, nên nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế.

Mặt khác, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc xử lý các doanh nghiệp đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất hàng giả, hàng nhái của cơ quan chức năng chưa quyết liệt, các thủ tục khiếu kiện phức tạp, rườm rà… nên không ít doanh nghiệp nản lòng.

Đồng quan điểm với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, nên rút gọn quy trình, thủ tục khiếu kiện, xử lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, tránh cho doanh nghiệp tâm lý ngại phiền hà.

Ngoài ra, cần xem xét lại việc quản lý các cơ sở in ấn, sản xuất bao bì, vì đây cũng là một trong những yếu tố "tiếp sức" cho sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả.

[Vì sao uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng bị "sứt mẻ"?]

Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho biết, khi bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần mạnh dạn lên tiếng và đồng hành cùng cơ quan chức năng. Chỉ khi doanh nghiệp tự ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có thể hỗ trợ hiệu quả.

Bên cạnh việc chủ động đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ, áp dụng những công nghệ tiên tiến đối với tem chống giả, doanh nghiệp cần hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết những dấu hiệu phân biệt hàng giả, hàng nhái tại các hệ thống phân phối và điểm bán lẻ.

Ông Lương Văn Thắng kiến nghị, các văn bản pháp luật cần phải được hệ thống lại rõ ràng, phù hợp với thực tế và chỉ rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cũng như có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã phát hiện và xử lý gần 5.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 16 tỷ đồng.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2017 lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 8.134 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, trong đó phát hiện 627 vụ hàng giả.

Mới đây nhất, lô hàng gồm hàng nghìn bộ khóa giả đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ tại địa bàn huyện Cao Lộc khi đang trên đường vận chuyển vào nội địa. Dù trên các ổ và chìa khóa đều ghi tên một thương hiệu lớn, nhưng thực chất toàn bộ số khóa đã được sản xuất, làm giả từ bên kia biên giới.

Do khóa là mặt hàng nhỏ gọn, nên dễ được chủ hàng trà trộn cùng các loại hàng hóa khác để thuê người vận chuyển qua các đường mòn, lối mở đưa về Việt Nam.

Dù chưa xác định được chủ nhân của lô hàng, nhưng theo nhận định của cơ quan điều tra, sau khi vận chuyển về xuôi, những ổ khóa giả tiếp tục được thay vỏ hộp, dán nhãn mác giả rồi bán ra thị trường.

Qua phản ánh của các doanh nghiệp, còn rất nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái mà người tiêu dùng khó phân biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục