Vì sao dân công sở thích kinh doanh tay trái hơn là chuyển công việc?

Khi được hỏi “Liệu doanh thu từ bán hàng có cao hơn lương không?” nhiều người bán hàng công sở cho biết có những tháng, thu nhập họ có được từ công việc này cao hơn việc chính.
Vì sao dân công sở thích kinh doanh tay trái hơn là chuyển công việc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Những năm gần đây, chuyện dân văn phòng kinh doanh bán hàng tại nơi làm việc không còn là điều xa lạ.

Những "chợ" hàng hóa này đa dạng với đủ mọi hình thức, và hoạt động tốt đến mức nhiều người phải đặt câu hỏi liệu có nên nghỉ việc bán hàng toàn thời gian hay tiếp tục làm "tay trái"?

Tệp khách hàng dồi dào, nhu cầu đa dạng

Giờ nghỉ trưa, khi đồng nghiệp còn đang dành những phút thư giãn giữa giờ cho giấc ngủ ngắn, hay những cốc càphê trò chuyện, thì chị P. lại tất tả xách những túi hàng hóa đến giao cho các phòng ban khác nhau trong tòa nhà, bởi ngoài công việc chính, chị còn làm thêm việc bán hàng online.

Chị P. cũng như rất nhiều nhân viên công sở đang kinh doanh online khác thường sử dụng những mối quan hệ công việc để bán hàng. Chia sẻ về công việc, chị cho biết khách hàng của mình là những đồng nghiệp làm cùng, hoặc những công ty khác trong cùng tòa nhà nơi chị đang làm việc.

Chị cũng có một số lượng khách vãng lai trên mạng, nhưng doanh thu chính vẫn từ hai đối tượng trên. Xác định khách hàng là ở ngay bên cạnh, nên chị rất cẩn trọng trong việc chọn lựa hàng hóa, vì có thể bị “phốt” trực tiếp bất cứ lúc nào.

[Áp thuế bán hàng qua mạng: Cần thiết nhưng con số nào là hợp lý?]

Nhiều người thường đặt câu hỏi: Liệu hàng hóa có rẻ hơn so với mua ở cửa hàng, quán ăn. Câu trả lời thường là “không.”

Bù lại, việc mua hàng từ những người quen biết, thậm chí thân thiết, là sự bảo đảm về chất lượng hàng hóa cho khách hàng. Sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng nghiệp khiến cho người mua hàng không quá quan tâm về sự chênh lệch giá, lâu dần tự họ lại "ngầm" trở thành thương hiệu của chính sản phẩm họ bán.

Như vậy, lợi ích người mua hàng có được chính là chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, việc giao hàng tận nơi giúp giảm chi phí đi lại hay phí giao hàng cho người mua, lại được kiểm hàng tại chỗ giúp an toàn.

Mặt khác, tình trạng có nhiều người bán hàng ở công sở với rất nhiều mặt hàng đa dạng khác nhau đôi khi lại dẫn đến việc mỗi công ty như một siêu thị thu nhỏ, với đầy đủ các mặt hàng từ đồ ăn đến quần áo, đồ dùng gia đình.

Nhằm hỗ trợ việc kinh doanh, nhiều người bán hàng còn sẵn sàng đầu tư lập hẳn những "chợ" trên mạng trong phạm vi tòa nhà, khu vực nơi họ đang làm việc, giúp việc quảng bá và lưu thông hàng hóa được dễ dàng hơn.

Việc mua sắm tại chỗ cũng giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian cho các “bà nội trợ,” lại tránh được tình trạng mua những thứ không cần thiết mỗi khi đi mua sắm. Điều này khiến cho hoạt động mua bán tại những nơi công sở, đặc biệt là những tòa nhà văn phòng lớn, càng trở nên tấp nập hơn bao giờ hết.

Chưa sẵn sàng bỏ việc để kinh doanh

Một vài năm trước, việc bán hàng tại công sở thường nhận được phản ứng tiêu cực, với những lo ngại về việc hoạt động này sẽ làm hỏng môi trường công sở, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc của người bán hàng, cũng như sự tập trung công việc của người mua hàng.

Vì sao dân công sở thích kinh doanh tay trái hơn là chuyển công việc? ảnh 2Những "chợ" công sở mini với rất nhiều mặt hàng. (Nguồn: Vietnam+)

Thậm chí có những công ty đã ra nội quy nghiêm cấm việc mua bán trong giờ làm việc, theo đó ai vi phạm sẽ bị phạt trừ lương.

Thế nhưng dù bị cấm, bị hạn chế, dường như hoạt động bán hàng nơi công sở đang nở rộ hơn bao giờ hết, có những thời điểm người ta phải thốt lên “người người bán hàng, nhà nhà bán hàng.”

Trên thực tế, việc bán hàng tại nơi làm việc đã ảnh hưởng khá lớn đến môi trường làm việc, như những lời phàn nàn về sự ồn ào của hoạt động mua bán hàng, cũng như sự chểnh mảng công việc của một số nhân viên tham gia bán hàng. Nhưng đây là những tình trạng không khó để khắc phục, chỉ cần điều chỉnh lại một chút về thời gian, địa điểm để không gây ảnh hưởng đến giờ giấc làm việc.

Những người bán hàng trực tuyến thường phải bán rất nhiều mặt hàng khác nhau để thu hút khách, tăng tính cạnh tranh. Chị Giang (Trung Hòa, Hà Nội) cho biết chị nhập hàng hóa trên website taobao về bán lẻ lại. Hàng đẹp, giá rẻ, chi phí vận chuyển cũng thấp nên lợi nhuận cũng khá tốt.

Nhưng mỗi lần hàng về, việc phân loại hàng và lên đơn, trả đơn cho khách cũng mất rất nhiều thời gian. Trung bình với một khách, thời gian dành cho việc kiểm tra đơn hàng, lựa chọn phân loại hàng, đóng gói lại, đề tên cũng phải mất 15-30 phút. Sau đó phải thông báo cho khách, lên đơn ship, tính ra vất vả hơn nhiều so với ngồi tại cửa hàng và đón khách, nhất là khi chị vừa làm công việc văn phòng vừa bán hàng.

Khi được hỏi “Liệu doanh thu từ bán hàng có cao hơn lương không?” nhiều người bán hàng công sở cho biết có những tháng, thu nhập họ có được từ công việc này cao hơn việc chính. Tuy nhiên, khi được hỏi có dự định nghỉ việc để bán hàng toàn thời gian không thì đa số đều trả lời là “không.”

Nhiều người bán hàng sau một thời gian dài, khi công việc kinh doanh tiến triển tốt, sẽ nghỉ việc, chuyển hẳn sang kinh doanh, mở rộng, phát triển thành cửa hàng riêng.

Nhưng đa số lựa chọn cách làm việc song song, vừa đảm bảo có thu nhập hàng tháng ổn định, lại vừa có thêm từ nguồn thu phụ.

Có nhiều lý do để họ lựa chọn hình thức này. Thứ nhất, công việc bán hàng chưa đem lại kết quả vượt trội so với công việc hiện tại. Những người kinh doanh nhỏ lẻ thường chỉ nhập số lượng hàng hóa ít, nên tỷ lệ chiết khấu cũng thấp hơn. Nếu bán giá rẻ thì lợi nhuận không đáng kế, trong khi công sức bỏ ra khá lớn.

Thứ hai, tệp khách hàng hiện tại có liên quan chặt chẽ đến công việc, và việc mua hàng từ những người kinh doanh "tay trái" đôi khi lại khiến khách hàng thấy tin tưởng hơn là mua từ những người bán hàng chuyên nghiệp.

Thứ ba, nhiều người vẫn coi việc bán hàng là một công việc không chính thức, dù có thể đạt thu nhập tốt. Đặc biệt, nhiều phụ nữ vẫn muốn lựa chọn một công việc có tính chất "văn phòng" để tạo lòng tin cho gia đình cũng như bảo đảm vị trí cho bản thân.

Thứ tư, và là quan trọng nhất, họ vẫn rụt rè chưa tự tin vào sự thành công của bản thân, và cũng không đủ can đảm để thoát khỏi một công việc ổn định trong suốt nhiều năm qua.

Dù là vì bất kỳ lý do gì, nhưng nếu vẫn đảm bảo làm tốt công việc chính thức, thì việc bán hàng tay trái này vẫn là một kênh tốt cho những nhân viên văn phòng vừa muốn cải thiện thu nhập vừa muốn thử thách bản thân trong một công việc hoạt bát và năng động hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục