Vì sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất cơ bản?

Giới phân tích đã đưa ra một số nhân tố chính liên quan đến tình hình kinh tế của Mỹ khiến Fed quyết định tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cơ bản.
Vì sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất cơ bản? ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/9, Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố không điều chỉnh tỷ lệ lãi suất cơ bản với lý do là nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh và tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại.

Giới phân tích đã đưa ra một số nhân tố chính liên quan đến tình hình kinh tế của Mỹ khiến thể chế tài chính này quyết định tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0% được áp dụng suốt gần 7 năm qua.

Nhân tố đầu tiên khiến Fed gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định về lãi suất là vấn đề việc làm. Số việc làm ở Mỹ đã tăng mạnh trong năm 2015 khi trung bình mỗi tháng, nền kinh tế bổ sung thêm 247.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 5,1% - mức được đánh giá là thể hiện tình trạng "đủ việc làm."

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm có xu hướng chậm lại trong mùa Hè vừa qua và một số điểm tối trên bức tranh trên thị trường lao động vẫn tồn tại. Tỷ lệ người Mỹ tham gia thị trường lao động, hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm người Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm việc, đang ở mức thấp nhất trong 4 thập niên qua. Tình trạng này một phần là do thế hệ được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số đã đến tuổi rút khỏi thị trường lao động.

Nhân tố thứ hai là vấn đề tiền lương. Thực tế cho thấy thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng và điều này khiến hầu hết người dân Mỹ vẫn chưa yên tâm dù đã bước sang năm thứ 6 kinh tế phục hồi.

Theo Chỉ số chi phí lao động (ECI) mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng Bảy, lương của người Mỹ đã tăng 2,1% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức Dự án Lao động Quốc gia (NELP) lại cho rằng nếu tính theo lạm phát, thì lương trên thực tế giảm từ năm 2009, và những người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Vấn đề lạm phát - điều mà Fed quan ngại nhất - là nhân tố tiếp theo. Chỉ số giá tiêu dùng căn bản là thước đo lạm phát mà Fed thường căn cứ vào đã tăng 1,24% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Fed lưu ý: "Lạm phát cao khiến người dân khó có thể đưa ra những quyết định tài chính và kinh tế về lâu dài. Song ngược lại, lạm phát quá thấp sẽ có nguy cơ dẫn đến giảm phát."

Chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng là một nhân tố khiến Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất. Được coi là khoảng sáng của bức tranh kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đã khởi sắc sau sự khởi đầu ảm đạm hồi đầu năm. GDP đã tăng 3,7% trong quý 2 năm nay, và đang trên đà tăng trưởng 2,45% trong quý 3. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lần gần đây nhất Fed tăng lãi suất là vào thời kỳ năm 2004-2006 khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 4%.

Trước đó, Fed đã bày tỏ ý định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Giới chuyên gia nhận định động thái này nếu được áp dụng có thể sẽ gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa qua khiến cho chính sách tài chính của Mỹ trở nên không rõ ràng, và điều này cũng sẽ gây ra những biến động hơn nữa trên các thị trường.

Ngoài ra, việc Fed quyết định không tăng lãi suất cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng cường các nỗ lực kích thích nền kinh tế để giữ cho đồng euro không tăng giá quá nhiều và làm trật bánh đà phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục