Vì sao có tình trạng những em bé tí hon, nuôi mãi không lớn?

Trước khi điều trị, gần 10 tuổi nhưng bé V. chỉ dài 79cm, nặng 9kg, trông như một em bé 1-2 tuổi và mãi không thể lớn.
Tiến sỹ Vũ Chí Dũng nói về công tác điều trị cho bé V. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những trẻ đặc biệt, dù đã 11-12 tuổi, nhưng nhìn từ bên ngoài chỉ như trẻ 2 tuổi. Nuôi con bao nhiêu năm song chiều cao, cân nặng của trẻ dường như vẫn “dậm chân tại chỗ,” chỉ như đứa trẻ 1-2 tuổi. Trẻ không thể tự làm những công việc vệ sinh cá nhân thường ngày, đi đâu cũng phải bế.

Trẻ muốn được đến trường để hòa nhập xã hội, nhưng luôn tự ti về hình dáng bên ngoài khiến trẻ càng sống khép mình, thậm chí, tức giận, cáu kỉnh khi bị chê còi... Đó là tình trạng của những trẻ mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng điển hình đang được các bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Những em bé tí hon

Tháng 12, chị Q.T.T. ở Thái Bình đưa con đến khám lại tại Khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Chị T. cho hay kết quả điều trị tiêm hormone tăng trưởng sau 22 tháng, bé V. đã tăng thêm 29cm lên 108cm.

[Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm có vắcxin phòng chống COVID-19]

Trước đó, bé V. khi sinh ra có cân nặng 2,8 kg như mọi đứa trẻ bình thường. Đến 5 tháng tuổi, bé được 5 kg, phát triển hoàn toàn bình thường. Thế nhưng từ đó đến năm 10 tuổi, bé hầu như không tăng cân, chiều cao cũng gần như đứng yên tại chỗ.

Trước khi điều trị, gần 10 tuổi nhưng bé V. chỉ dài 79cm, nặng 9kg, trông như một em bé 1-2 tuổi và mãi không thể lớn. Bé không thể tự làm vệ sinh cá nhân, đi đâu cũng phải có người bế.

Đầu năm 2019, khi con 10 tuổi, chuẩn bị vào tuổi dậy thì chị V. đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám.

Tiến sỹ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết kết quả chụp cắt lớp vi tính của bé V. cho thấy tuyến yên nhỏ, tuổi xương chỉ tương đương với một trẻ 20 tháng tuổi. Chiều cao của V. thấp hơn 9 bậc so với chiều cao chuẩn.

Bé V. được chẩn đoán bị suy tuyến yên, được chỉ định bằng thuốc hormone tăng trưởng. Bệnh của trẻ cần điều trị kiên trì, tối nào cũng phải tiêm thuốc. Các y bác sỹ đã hướng dẫn chị V. cách tự tiêm cho con.

Kết quả sau 12 tháng, bé tăng được 18cm và tới nay, sau gần 2 năm tăng được 29cm. Cùng với chiều cao, V. cũng tăng trưởng cân nặng, từ 9kg vào đầu năm 2019 thì hiện đã nặng 19kg, cao 108cm. Bác sỹ Dũng cho hay đây là sự khác biệt rất lớn sau 2 năm điều trị. Với chiều cao, cân nặng như hiện nay, bé T. đã lớn tương đương một em bé 4-5 tuổi.

Kết quả điều trị, sau khi tiêm hormone tăng trưởng 22 tháng, bé V. đã tăng thêm 29cm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị T tâm sự: "Thấy con tăng cân, tăng chiều cao tôi mừng lắm. Giờ con đã biết đọc, biết viết. Trước kia, mỗi bữa con chỉ ăn được vài thìa cơm nhưng giờ thì đã được một bát đầy."

Tiến sỹ Vũ Chí Dũng cho biết thêm ngoài bé V., tại bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bé trai 12 tuổi bị não úng thủy bẩm sinh, đặt van dẫn lưu lúc 7,5 tháng tuổi, chỉ cao 93cm do thiếu hormone tăng trưởng. Chỉ sau 1 năm điều trị, bé đã cao thêm được 17,5cm và sau 22 tháng, bé đã cao 118cm (tăng 25cm), tương đương chiều cao của một trẻ bình thường.

Một trường hợp khác bé gái khác 19 tháng nhưng chỉ cao có 59cm, nhưng sau 5 năm 4 tháng điều trị, bé đã cao 111cm, tức là cao hơn trẻ bình thường 6cm.

Tuy nhiên, bác sỹ Dũng cũng cho hay có nhiều trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến khám và điều trị khi quá muộn, không có kết quả điều trị cao. Chẳng hạnh có những trường hợp trẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh khi trẻ 17 tuổi mới đưa tới khám, trong khi chiều cao và cân nặng chỉ như một trẻ 9 tuổi. Những trường hợp này can thiệp quá muộn, trẻ không dậy thì được, không thể có con.

Trẻ không tăng 4cm trong một năm là bất thường

Hiện nay, theo thống kê, tỷ lệ thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã giảm từ 43,3% năm 2000 xuống còn 23%, tuy nhiên đây vẫn là con số khá cao.

“Tại Khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, mỗi ngày có 20 trẻ đến khám vì chậm tăng trưởng chiều cao. Hiện nay, Khoa đang quản lý 400 bệnh nhi, nhưng số lượng này chưa phản ánh hết số bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng, vì chắc chắn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng,” bác sỹ Dũng cho hay.

Tiến sỹ Vũ Chí Dũng nói về nguyên nhân trẻ chậm lớn:

Bác sỹ Dũng phân tích, trong 100% trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao, 90% là thấp bình thường, khoảng 10% những trường hợp có chiều cao thấp là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường.

Theo bác sỹ Dũng, với trẻ thấp chiều cao do bệnh lý, không thể chỉ đánh giá qua 1-2 tháng, cần theo dõi ít nhất 6 tháng. Muốn phát hiện sớm tình trạng bệnh lý, cha mẹ cần chú ý việc theo dõi chiều cao của con. Nếu trong 1 năm trẻ không lớn thêm được 4 cm là không bình thường.

Có rất nhiều bệnh lý có thể khiến trẻ không phát triển được: Dinh dưỡng; nội tiết (như thiếu hụt GH - hormone tăng trưởng đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp); các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung; các bệnh về xương; các bệnh mạn tính/các bệnh chuyển hóa; các khối u và hậu quả muộn của điều trị ung thư, do thuốc…

Trong các nguyên nhân trên, các hội chứng bẩm sinh có thể kể đến là bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), các hội chứng khác (Noonan, Russell-Silver), các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển tinh thần...

Bác sỹ Dũng phân tích, trẻ mắc bệnh này có thể điều trị được nếu để xác định đúng bệnh, điều trị kịp thời với phác đồ phù hợp. Trên thực tế, đã có rất nhiều cháu được điều trị thành công.

Những bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng nặng và bẩm sinh được điều trị bằng hocmon tuyến giáp, tuyến thượng thận thay thế từ sau sinh và hocmon tăng trưởng từ 15 tháng tuổi, cho tới khi các bé đạt chiều cao bình thường. Đến năm 18 tuổi, các bác sỹ sẽ đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone hay không để quyết định có chuyển tiếp sang điều trị hormone tăng trưởng ở liều người lớn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều gia đình mặc dù con cái phát triển bình thường, nhưng phụ huynh vẫn mong con có có chiều cao lý tưởng như bạn bè, vẫn tự cho con dùng các loại sản phẩm kích thích bài tiết hormone tăng trưởng, dù bác sỹ không kê đơn. Bác sỹ Dũng cảnh báo những trẻ không thiếu hormone mà vẫn bổ sung sẽ không chỉ tốn kém, mà do phải sử dụng hormone liều cao sẽ gây tác hại đến các cơ quan khác của trẻ như kích thích phát triển xương gây bệnh về xương, cong vẹo cột sống, phì đại các đầu chi… Vì vậy, tuyệt đối không dùng khi không có chỉ định của bác sỹ.

Bác sỹ Dũng cho biết cứ 4.000 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị chậm tăng trưởng. Hiện nay, mỗi năm, cả nước có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, tức là có thêm khoảng 350 cháu bị dị tật này. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi chiều cao của con để phát hiện sớm tình trạng bệnh lý của trẻ nhằm đưa đi điều trị kịp thời, tránh để quá muộn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục