Vì sao cổ phiếu liên tiếp bị bán tháo, đảo chiều ngay trước phiên ATC?

Theo ông Nguyễn Thế Minh thuộc Công ty Yuanta Việt Nam, những tin đồn xung quanh là yếu tố tiền đề, còn lệnh dừng ký quỹ là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh liên tiếp trong 5 phiên gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên tiếp trong vài phiên gần đây, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều cổ phiếu bất ngờ bị “đạp sàn” ngay trước phiên ATC. Việc thị trường giảm mạnh trong một khung giờ nhất định khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi có hay không việc thị trường đang bị chi phối bởi một nhóm nhà tạo lập muốn kéo giá để trục lợi?

Thị trường chứng khoán ngày 20/4 tiếp tục có phiên giảm điểm với độ rộng lan ra hầu hết các mã ngành, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Đóng cửa, chỉ số VN-Index mất 21,73 điểm, mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1.400 điểm, lùi về mốc 1.384,73 điểm. Vốn hóa của HOSE cũng giảm gần 86.410 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD.

Đáng lưu ý, đây cũng là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của VN-Index, với hơn 90 điểm đã bị “bốc hơi.” Điểm chung tại hầu hết các phiên giao dịch này là nhiều cổ phiếu bất ngờ có sự lao dốc, nằm sàn vào thời điểm sau 14 giờ, ngay trước phiên ATC. Thậm chí, có phiên VN-Index tăng gần 10 điểm trong buổi sáng, nhưng vẫn quay đầu giảm mạnh hơn 20 điểm vào buổi chiều. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhất là những nhà đầu tư mới (F0) hoảng loạn, gây áp lực giảm điểm cho phiên tiếp theo.

Lý giải nguyên nhân diễn ra hiệu ứng giảm điểm vào phiên chiều, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng  đó thường là do tình trạng call margin (lệnh dừng ký quỹ) hoặc Force-sell (bán giải chấp cổ phiếu) ở nhiều nhóm cổ phiếu. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư đã có lượng vay margin khá cao, rơi vào trạng thái cảnh báo bán của các công ty chứng khoán.

Theo ông Minh, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh vào cuối phiên trong những ngày gần đây trùng hợp với xu hướng cổ phiếu bị các công ty chứng khoán bán ra để thu hồi margin tăng lên. Trong bối cảnh cầu thị trường khá yếu, thanh khoản thấp thì với lượng lớn margin của các công ty chứng khoán bán ra đã tạo ra hiệu ứng domino giảm sốc ngay lập tức.

Từ tháng 11-12/2021 và đầu năm nay, nhóm cổ phiếu midcap (cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô vừa phải, có vốn hóa ở mức trung bình từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng) và smallcap (các công ty có giá trị vốn hóa thị trường thấp) tăng trưởng rất nóng và các cổ phiếu này hút lượng margin rất cao trên thị trường. Do đó, với những cú giảm điểm kéo dài, thanh khoản lại thấp thì việc call margin ở nhóm cổ phiếu này sẽ không bán được.

Các công ty chứng khoán có thể sẽ mang các cổ phiếu vốn hóa lớn mang ra bán, dẫn đến các cổ phiếu blue-chip cũng bị ảnh hưởng giảm sâu theo trong đợt này.

“Kể từ sau vụ việc liên quan đến FLC, Tân Hoàng Minh, các công ty chứng khoán có khuynh hướng thắt chặt vấn đề quản trị rủi ro. Nhiều công ty chứng khoán bắt đầu hạ tỷ lệ cho vay margin ở nhóm cổ phiếu bất động sản, thay vì trước đó cho vay từ 40-50% thì hiện chỉ còn 30%. Hành động này cũng phần nào khiến giá cổ phiếu giao dịch bằng margin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Những tin đồn xung quanh là yếu tố tiền đề, còn việc call margin là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh liên tiếp trong 5 phiên gần đây," ông Minh cho biết.

Ở góc nhìn khác, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho rằng hiệu ứng domino của việc siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nhưng dòng tiền có thực sự chảy vào sản xuất, kinh doanh hay đi đâu vẫn còn bỏ ngỏ.

[Thị trường tiếp tục lao dốc, VN-Index xuyên thủng mốc 1.385 điểm]

Theo ông Tuấn, diễn biến của thị trường chứng khoán kể từ sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu đến nay có thể là câu trả lời cho vấn đề đó, nghĩa là đã có một phần dòng tiền doanh nghiệp huy động qua phát hành trái phiếu chảy vào đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Với việc siết chặt dòng vốn qua kênh này thì dòng tiền đi sai mục đích sẽ được rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Do đó, các công ty chứng khoán đang cấp margin lớn cho những dòng tiền như thế đang phải đánh giá lại. Đây là sự kiện khơi mào cho áp lực bán mạnh trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, đã có một lớp nhà đầu tư lớn tận dụng vấn đề này để "tung hỏa mù" để khiến thị trường rơi mạnh hơn, mua được cổ phiếu rẻ hơn với mục đích trục lợi.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng việc bán tháo cổ phiếu vào cuối phiên trong những ngày gần đây là hành động có chủ đích của các nhà đầu tư cá mập/bigboys đang trục lợi trên thị trường.

“Đã 3-4 phiên liên tiếp, cứ sau 14 giờ là nhiều cổ phiếu bị đạp giảm giá mạnh, thậm chí qua phiên ATC là "đạp sàn" luôn. Rõ ràng đây là hành động có chủ đích để tạo ra hiệu ứng hoảng loạn tiếp tục bán ra trong phiên tiếp theo của nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư mới trên thị trường. Họ không có nhiều kinh nghiệm về thị trường, dễ rơi vào khuynh hướng tiêu cực,” ông Phương nhận định.

Tuy nhiên, có một điểm nhà đầu tư cần lưu ý là trong những phiên thị trường “đỏ lửa,” nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài thường quay trở lại mua ròng.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Theo ông Phương, các nhà đầu tư nước ngoài rất chuyên nghiệp và tỉnh táo trước những biến động. Khi thị trường tăng mạnh, khối ngoại thường có khuynh hướng bán nhiều hơn, còn khi thị trường giảm sâu, nhất là giảm vô lý như hiện nay thì họ thường quay trở lại mua ròng. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng và với kinh nghiệm đầu tư lâu năm, họ thường mạnh dạn giải ngân mua vào. Đây có thể là “kim chỉ nam” để nhà đầu tư vững tâm hơn với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, tránh rơi vào bẫy của các nhà tạo lập trên thị trường.

Thực tế, trong phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 439 tỷ đồng trên HOSE và 20,78 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ bán ròng 15,83 tỷ đồng trên UPCOM. Như vậy, trong 7 phiên trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng và trở thành điểm sáng thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng với tâm lý thị trường trong ngắn hạn vẫn còn khá tiêu cực, việc “bắt đáy” cổ phiếu ở thời điểm hiện tại vẫn là tương đối rủi ro.

Nhà đầu tư nên cân nhắc tạm thời đứng ngoài thị trường và quan sát diễn biến giao dịch trong một vài phiên tới, chủ yếu là để chờ đợi thị trường chung ổn định trở lại cũng như để các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn của cổ phiếu trở nên chắc chắn hơn.

Các công ty chứng khoán kỳ vọng diễn biến giao dịch trên thị trường sẽ lấy lại sự ổn định sau một vài phiên và nhịp hồi phục nhiều khả năng sẽ khởi đầu từ các cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận mức giảm ít hơn chỉ số chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục