Dù được kỳ vọng là “phao cứu sinh” của doanh nghiệp sau COVID-19, song tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến thời điểm này vẫn chậm. Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lên tiếng đốc thúc các tổ chức tín dụng cần sớm vào cuộc triển khai hỗ trợ khách hàng.
Doanh nghiệp than khó
Ông Vũ Văn Hòa - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (địa chỉ tại cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết cách đây 3 tháng, doanh nghiệp được chi nhánh Agribank Vĩnh Phúc II thông báo về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31.
Với sự hướng dẫn của ngân hàng, doanh nghiệp của ông Hòa đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng tại Agribank.
"Việc tiếp cận cũng không khó khăn, hồ sơ thủ tục đều được ngân hàng hướng dẫn. Sau khi được hỗ trợ, lãi suất hiện nay doanh nghiệp đang vay là 6,2%/năm. Nhờ được giảm lãi suất, doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao," ông Hòa cho hay.
Cũng theo ông Hòa, từ đầu năm đến nay, giá cả đầu vào tăng 20%, tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra vẫn chưa thể "nâng" giá bán tương ứng với mức tăng của giá đầu vào. Do đó, việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm đã đảm bảo cho doanh nghiệp thoát lỗ và có lãi.
[Ngân hàng Nhà nước đốc thúc giải ngân gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%]
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có được "may mắn" như doanh nghiệp của ông Hòa. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ nhưng chưa thể tiếp cận.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Vietravel chia sẻ đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, trong đó có Vietravel, vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 2% do có nhiều rào cản.
“Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp nhưng trong 2 năm COVID-19, tài sản đã thế chấp hết. Cùng với đó, doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu... Các yếu tố này không thể đem ra thế chấp được,” ông Kỳ nói.
Chủ tịch một tập đoàn chuyên về đồ điện dân dụng và xây dựng nhìn nhận chính sách về hỗ trợ lãi suất là rất kịp thời, trúng và đúng sau hơn 2 năm cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng ưu đãi lãi suất còn chặt chẽ, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được theo quy định, do đó kết quả đạt được không như kỳ vọng là điều tất yếu.
Những khó khăn trên cũng được nêu ra tại cuộc họp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành mới đây. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế.
Đến thời điểm này, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ khách hàng là hơn 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. Như vậy, so với quy mô 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, kết quả đạt được đến nay là quá thấp.
Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, nổi lên một số nguyên nhân dẫn tới chính sách chậm triển khai là khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay (nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ...) và nguyên nhân từ phía các ngân hàng.
Linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn
Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết chi nhánh hiện giải ngân cho 2 khách hàng hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm với tổng dư nợ 3,9 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất, chi nhánh này gặp phải không ít khó khăn vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là câu chuyện về room tín dụng.
Vị này cũng cho biết thêm tại Vĩnh Phúc, mặc dù chủ động rà soát các doanh nghiệp đủ điều kiện của Nghị định 31, thông báo tới các doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, song kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cũng không được như kỳ vọng.
"Chúng tôi không hạn chế bất cứ đối tượng nào đủ điều kiện theo Nghị định 31 nhưng đến nay kết quả triển khai thấp là bởi ngân hàng gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, khách hàng rất 'ngại' khi được yêu cầu cung cấp chứng từ hóa đơn như quy định của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất này," vị này chia sẻ.
Trước những khó khăn này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, dù Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng nhưng kết quả như vậy là rất thấp, với tiến độ này thì việc giải ngân là rất khó khăn. Do đó, ông đề nghị các bộ ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải nhìn thẳng để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn, triển khai giải ngân càng sớm càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngân hàng Nhà nước phải sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Mới đây Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã ban hành chỉ thị trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng.
Mặt khác, Thống đốc cũng nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại nghị định của Chính phủ và thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất./.