Vì sao có ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng miếng?

Nguyên nhân ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng phần lớn đến từ sự thận trọng khi giá vàng thế giới đang biến động mạnh và giá khởi điểm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra khá cao.

Ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng. (Ảnh: Vietnam+)
Ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 do không có đủ số lượng đơn vị tham gia dự thầu. Trong phiên trước, chỉ có 20% lượng vàng được đấu thầu thành công.

Tại sao lại vậy?

Nguyên do đấu thầu vàng bị "ế"

Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 25/4 đã bị hủy bỏ do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Theo kế hoạch ban đầu, phiên đấu thầu vàng miếng SJC thứ 2 diễn ra vào sáng 25/4 với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.

Đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy thầu do thiếu đơn vị tham gia dự thầu. Trước đó, vào ngày 22/4, phiên đấu thầu vàng đầu tiên cũng bị hủy vì lý do tương tự và chuyển sang ngày 23/4.

Trong phiên 23/4, chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng/16.800 lượng vàng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khối lượng đấu thầu tối thiểu là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp còn e ngại đăng ký tham gia đấu thầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.”

Ông Long phân tích thêm, theo thời giá thị trường, giá vàng SJC là 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực với số tiền đó bỏ ra để đấu thấu. Điều này khiến chỉ có các ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực về tài chính tham gia. Như vậy điều kiện tham giá chưa công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại.

Cũng theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước chưa tuân thủ đúng nguyên tắc đấu thầu. Giá đăt cọc, tham chiếu phiên đầu tiên là 80,6 triệu đống/lượng, nhưng trước khi đấu thầu lại nâng giá sàn (tối thiểu) lên 81,3 triệu đồng/lượng.

“Chưa kể sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao thì lúc đó không biết giá vàng sẽ như thế nào? Doanh nghiệp trúng thầu phải ôm trạng thái chờ 2 ngày. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bẩy nhiều để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro. Trong khi khối lượng lớn như yêu cầu đặt thầu của Ngân hàng Nhà nước phải tối thiểu 14 lô tức 1.400 lượng,” ông Long nói.

z5382016336050_d0f5252b59afdb4e103e785a90b09f01.jpg
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng theo vị chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước quy định trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung thì đơn vị này có thể quyết định hủy kết quả thầu. Đây cũng là điều khiến doanh nghiệp "lăn tăn."

“Tôi cho rằng điều kiện tham gia thầu làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tham gia mà chỉ có doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng nhiều vốn chấp nhận rủi ro mới dám tham gia thầu. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 90%. Bản chất đấu thầu là hình thức cạnh tranh, càng nhiều đối tượng tham gia, tính cạnh tranh càng cao, đầu thầu càng có hiệu quả,” ông Long nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương phân tích thêm về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ mua vàng đấu thầu để bù đắp trạng thái âm, tuyệt đối không mua để đầu cơ. Như vậy, với giá đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước không rẻ hơn thị trường mà lại phải mua với số lượng lớn nên doanh nghiệp sẽ rất cân nhắc.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ biên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khi rủi ro về biến động giá mạnh, khi giá vàng trên thị trường thế giới cũng đang "lên-xuống" với các bước sóng lớn. Điều này khiến cho ngân hàng, doanh nghiệp vàng rất quan ngại và phải "cân não" khi tham gia đấu thầu.

Lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng hiện tại giá vàng trên thế giới biến động mạnh, trong khi đó giá vàng trong nước phụ thuộc vào biến động của giá vàng thế giới. Do đó, sẽ có những doanh nghiệp ngại "bỏ cục tiền, ôm rủi ro."

Làm gì để đấu thầu vàng thành công?

Ông Ngô Trí Long cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước theo đuổi quan điểm là tăng cung vàng ra thị trường bằng việc tiếp tục đấu thầu vàng, cơ quan này nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu là xuống 500 lượng, thậm chí 300 lượng.

Một số chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mức giá cọc, giá sàn cho các đối tượng tham gia đấu thầu. Theo đó, mức giá hợp lý chỉ nên vênh từ 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thay vì chạy theo giá mua-bán SJC tại thị trường trong nước như hiện nay. Bởi mức giá "mềm" sẽ hấp dẫn các đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào phiên đấu thầu, tăng cung cho thị trường, đảm bảo Nhà nước vẫn có lãi và mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước mới đạt được.

z5375678595048_e42fae186c4fbc2c5fd6726fe70e7bff.jpg
Phiên đấu thầu ngày 23/4. (Ảnh/Vietnam+)

Các chuyên gia cũng cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý. Trong khi xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại và cũng theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc đều đặn bổ sung nguồn cung bằng cho cách cho nhập khẩu vàng sẽ giúp chênh lệch giá vàng thu hẹp.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, trước hết cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng, từ đó có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Dù vậy, chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải nhìn nhận việc đấu giá vàng theo hướng tích cực vì sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

“Nguyên tắc cơ bản là doanh nghiệp phải có lãi, và chắc chắn có lãi thì họ mới chấp nhận tham gia đấu thầu,” ông Thịnh nói.

Còn về phía Nhà nước, cơ quan này cũng đang cần hạ “cơn sốt vàng" và biện pháp này nằm trong số đó. Ông Thịnh cho rằng cái khó là điều chỉnh làm sao cho giá bán không quá rẻ, nhưng cũng không được quá đắt. Vì nếu giá rẻ thì doanh nghiệp được lợi nhưng Nhà nước sẽ thiệt hại.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục