Vì sao chúng ta được “lập trình” để yêu những động vật "bé con?"

“Sơ đồ em bé” có thể thấy ở các loài động vật, đặc biệt là những loài có con non cần được chăm sóc, có thể là một phần lý do tại sao con người thấy một số loài động vật đặc biệt dễ thương.

Chó con husky Greenland chơi đùa ở Qaanaaq, Greenland. (Nguồn: National Geographic)
Chó con husky Greenland chơi đùa ở Qaanaaq, Greenland. (Nguồn: National Geographic)

Từ cô hà mã lùn Moo Deng và chú chim cánh cụt Pesto đến chú lười con Molé và chú hải cẩu Biscuits - Internet biến những động vật đáng yêu thành những “cơn sốt” lan truyền.

Nhưng điều gì diễn ra trong não chúng ta khi chúng ta nhìn thấy thứ gì đó dễ thương, và tại sao chúng ta lại thích chia sẻ những thứ đó với người khác trên mạng xã hội?

“Chúng ta tìm kiếm sự dễ thương vì nó mang lại cảm giác dễ chịu!” - Joshua Paul Dale, Giáo sư tại Đại học Chuo ở Tokyo và tác giả của cuốn “Irresistible: How Cuteness Wired Our Brains and Conquered the World” (Tạm dịch: “Không thể cưỡng lại: Sự dễ thương kết nối với bộ não của chúng ta và chinh phục thế giới như thế nào”), giải thích.

“Nhận thức về sự dễ thương thu hút sự chú ý của chúng ta rất nhanh - trong vòng 1/7 giây - bằng cách kích hoạt phản ứng ở vỏ não trán ổ mắt, mạng lưới khoái cảm của não.

Hoạt động thần kinh nhanh này dường như được nối tiếp bởi các quá trình đánh giá chậm hơn, gợi lên hành vi chăm sóc, kích hoạt các ‘mạng lưới’ liên quan đến trò chơi, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.”

Vậy não của chúng ta định nghĩa thế nào là dễ thương, và tại sao não lại phản ứng theo cách này?

Điều gì khiến một thứ trở nên dễ thương?

“Điểm dừng chân đầu tiên” cho bất kỳ ai quan tâm đến “hiện tượng dễ thương” là bài báo mang tính bước ngoặt năm 1943 của nhà nghiên cứu tập tính học người Áo Konrad Lorenz, trong đó định nghĩa một tập hợp các thuộc tính mà ông gọi là “kindchenschema,” hay “sơ đồ em bé.”

Các đặc điểm “nắm giữ chìa khóa” cho sự dễ thương: Đầu to so với kích thước cơ thể; trán cao; mắt to và nằm ở vị trí thấp trên khuôn mặt; mũi và miệng nhỏ, gần nhau; má và thân tròn, mũm mĩm; tứ chi ngắn và mập mạp; và chuyển động lắc lư.

Lorenz cho rằng phản ứng của não chúng ta với sự dễ thương là một sự thích nghi tiến hóa: Sự dễ thương kích hoạt các hành vi chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ bẩm sinh để cải thiện khả năng sống sót của loài. Ông tin rằng phản ứng của chúng ta với sự dễ thương là “không thể ngăn cản.”

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các đặc điểm của “sơ đồ em bé” có thể thấy ở các loài động vật, đặc biệt là những loài có con non cần được chăm sóc. Đây có thể là một phần lý do tại sao con người thấy một số loài động vật đặc biệt dễ thương.

Dale cho biết: “Về cơ bản, sự dễ thương có tác dụng rất tốt trong quá trình tiến hóa của chúng ta đến mức nó dễ dàng lan tỏa và kích hoạt phản ứng dễ thương đối với động vật và đồ vật.”

Nhưng lý thuyết của Lorenz không nói lên toàn bộ câu chuyện.

Theo Kamilla Knutsen Steinnes, ứng viên Tiến sỹ chuyên ngành phân tích hành vi tại Đại học Oslo Metropolitan, có nhiều yếu tố tác động ở đây hơn là chỉ đơn thuần kích hoạt bản năng chăm sóc.

Steinnes giải thích: "Trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy phản ứng của chúng ta đối với sự dễ thương có vẻ bắt nguồn sâu sắc từ sự chăm sóc của cha mẹ và sự sống còn của động vật có vú, thì ngày càng nhiều nghiên cứu khác cho thấy rằng phản ứng đó vượt hơn cả việc chăm sóc."

dong vat de thuong 2.jpg
Một chú hải cẩu con chơi đùa cùng hải cẩu mẹ. (Nguồn: National Geographic)

Bà nói rằng khi chúng ta nhìn thấy thứ gì đó dễ thương, nó gợi lên một loạt cảm xúc mạnh mẽ, chủ yếu là tích cực. Bộ não của chúng ta có phản ứng độc đáo, nhanh chóng và cụ thể, cùng sự kích hoạt các khu vực liên quan đến cảm xúc, động lực và niềm vui. Phản ứng của chúng ta trước sự dễ thương sẽ khuyến khích hành vi hướng thiện, gắn kết xã hội và nhân văn hơn.

Khi sự dễ thương trở nên “kawaii”

Steinnes cho rằng “sự bất lực” của giới học thuật trong việc định nghĩa đầy đủ các cảm xúc được thúc đẩy bởi việc nhận thức sự dễ thương, có thể là do hạn chế về ngôn ngữ.

"Phản ứng cảm xúc được gợi lên đối với sự dễ thương ít được nghiên cứu, có lẽ vì cảm xúc này không có tên gọi cụ thể trong tiếng Anh, tiếng Na Uy hay tiếng Đức" - bà viết trong một bài báo nghiên cứu năm 2019 .

Steinnes cho biết: "Sự dễ thương có thể gợi lên ‘kama muta’ (cảm giác xúc động), lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, sự quan tâm thấu cảm, tình yêu nuôi nấng, ‘kawaii,’ thậm chí sự hung hăng một cách dễ thương."

“Kama muta” là một thuật ngữ tiếng Phạn. Steinnes giải thích rằng nó có thể được kích hoạt bởi sự sẻ chia. "Hiểu một cách đơn giản, ai đó yêu thích những chú mèo con dễ thương và trái tim họ hướng về chúng."

“Kawaii” là khái niệm rất phổ biến ở Nhật Bản, thường được dịch đơn giản là “dễ thương,” nhưng thực chất bao hàm những ý tưởng về sự giản dị, sự ngây thơ của tuổi trẻ, nhỏ bé, đáng mến, đáng yêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục