Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch ICDREC thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố việc hợp tác với Nhật Bản về phát triển, thương mại chip RFID đầu tiên do Việt Nam thiết kế.
Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC về việc vì sao chip Việt được các đối tác nước ngoài tin tưởng lựa chọn nhưng lại chưa có chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước.
- Thưa ông, sản phẩm chip do Việt Nam nghiên cứu và thiết kế được nước ngoài tin tưởng lựa chọn, cũng như kết quả ngành thiết kế vi mạch đạt được thời gian qua lại chưa có chỗ đứng tại thị trường nội địa, phải chăng là vấn đề thương mại hóa?
Ông Ngô Đức Hoàng: Tại Việt Nam, ngành vi mạch bán dẫn được định hình với sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC. Năm 2007 ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam là con số không thì sau 8 năm, Việt Nam đã vươn tới top 3 trong các nước ASEAN về lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Trong năm 2015, ICDREC liên tục nhận được sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu lớn hàng đầu thế giới và kỳ vọng đến năm 2030, lĩnh vực thiết kế vi mạch sẽ đứng hàng đầu thế giới.
Thực tế Việt Nam ngành thiết kế vi mạch đã thành công với những sản phẩm có tính thương mại cao như chip vi xử lý SG-8V1, chip 32 bit, chip ứng dụng đặc thù RFID…
Đặc biệt, sản phẩm chip SG-8V1 đã dành được giải thưởng “Nhân tài Đất Việt năm 2014,” sau khi ra đời sản phẩm này đã được ứng dụng nhiều trong đời sống, điển hình là thiết bị giám sát hành trình, khóa container, hệ thống kiểm soát vào-ra, côngtơ điện tử, các thiết bị đo thông số từ xa… tất cả đều sử dụng chip SG-8V1.
SG-8V1 là sản phẩm đa năng tùy thuộc vào lập trình, vì vậy từ chip này ICDREC làm trên 30 sản phẩm khác nhau để đưa vào thị trường và gây được ấn tượng cho giới công nghệ.
Bên cạnh đó, chip SG-8V1 có tính năng kỹ thuật tương đương và giá thành chỉ bằng 2/3 so với sản phẩm cùng loại nhập tại các nước tiên tiến, do đó khi đem sản phẩm ứng dụng trong các thiết bị sẽ làm giá thành giảm xuống và tăng sức cạnh tranh.
Sản phẩm chip SG-8V1 chỉ ứng dụng trong ngành điện lực thì dự kiến không dưới 1.000 tỷ/năm nhưng hiện chip SG-8V1 được ICDREC kinh doanh mới chỉ đạt khoảng 40-50 tỷ đồng, một con số ít ỏi so với thị phần có thể tại Việt Nam.
Phải thừa nhận ngành điện tử và công nghệ thông tin Việt Nam thời gian quá dài bị động, không đi từ linh kiện đến lắp ráp, không chuyên môn hóa mà nhập nguyên bo-nguyên kiện, đây là trở ngại lớn để chip Việt tăng thị phần. Do vậy, ICDREC đã phải tạo ra các sản phẩm từ chip Việt để từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tâm lý cũng như niềm tin của người Việt sử dụng sản phẩm Việt không cao. Các chính sách bảo vệ, thúc đẩy sử dụng chip Việt, công nghệ Việt chưa rõ nét cũng là khó khăn trong việc tăng thị phần chip Việt.
- Mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Lễ công bố việc hợp tác phát triển, thương mại chip RFID” do Trung tâm ICDREC nghiên cứu chế tạo, một lần nữa khẳng định tiềm năng và triển vọng cho ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Xin ông cho biết về sản phẩm chip RFID?
Ông Ngô Đức Hoàng: RFID là công nghệ định danh bằng sóng vô tuyến được phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những năm gần đây nhằm thay thế các công nghệ định danh cũ như mã vạch, băng từ... vốn không có khả năng mã hóa bảo vệ dữ liệu người dùng.
Công nghệ RFID hiện được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống như quản lý vào-ra, điểm danh, quản lý hàng hóa, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, thẻ căn cước, bằng lái xe.. Những dữ liệu này được lưu trữ và truy xuất nhờ sử dụng năng lượng từ chính các thiết bị đọc-ghi mà không cần phải cấp nguồn riêng cho chip. Do đó, sản phẩm gắn chip sẽ có dạng rất gọn nhẹ như thẻ, vòng tay... nhằm tạo thuận tiện cho người dùng.
Có thể nói, sự thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo chip, cũng như các thiết bị và hệ thống ứng dụng RFID không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường trong nước và khu vực, mà còn giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài.
- Để ngành vi mạch trong nước phát triển và vươn lên hàng đầu thế giới, thì các chính sách phát triển ngành vi mạch của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa, thưa ông?
Ông Ngô Đức Hoàng: Có thể nói kết quả của lĩnh vực thiết kế vi mạch đã minh chứng cho thành công của việc đầu tư tập trung của Chính phủ, Nhà nước thông qua các chính sách, sau 7-8 năm ngành thiết kế vi mạch đã từ con số không vươn lên top 3 trong các nước ASEAN.
Nhưng hiện nay, ngành thiết kế vi mạch bước vào hướng thương mại hóa thì không đơn thuần chỉ là các chính sách từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mà cần có sự can thiệp của Chính phủ và sự phối hợp giữa các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… để có thể ưu tiên được công nghệ Việt, chip Việt để trí tuệ Việt đi vào trong từng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm của doanh nghiệp Nhà nước.
Tại Hàn Quốc vào thời kỳ bắt đầu thiết kế vi mạch, những con chip đầu tiên của Hàn Quốc không bằng của Việt Nam và cũng không bán được cho các nước, nhưng Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu ngành công nghiệp Hàn Quốc phải sử dụng sản phẩm chip Hàn Quốc và đến giờ Hàn Quốc đã có sản phẩm Samsung, LG…
Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách thiết thực, nhưng chính sách không chỉ khuyến cáo, hô hào người dân sử dụng hàng Việt mà phải đưa chip Việt vào các ngành mà nhà nước là chủ đạo như điện lực, dầu khí, hàng không…, có như vậy ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam mới thực sự cất cánh và vươn tới tầm thế giới./.
- Trân trọng cảm ơn ông!