Chính phủ Indonesia đã thúc đẩy Quốc hội nước này thông qua Luật Omnibus - đạo luật gồm nhiều quy định khác nhau, bao hàm nhiều khía cạnh trong nền kinh tế từ đầu tư đến lao động và môi trường, được thiết kế nhằm kích thích đầu tư trong và ngoài nước.
Mặc dù luật này được ra đời với tham vọng triển khai những cải cách lớn chưa từng có, nhiều quy định gây tranh cãi đặc biệt là về luật lao động mới đã khiến các cuộc biểu tình phản đối Luật Omnibus nổ ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng việc chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) vội vàng thông qua Luật Omnibus mà không tính tới những tác động tiêu cực về chính trị có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Tham vọng cải cách của Luật Omnibus
Với việc sớm thông qua Luật Omnibus, Chính phủ và Quốc hội Indonesia kỳ vọng rằng luật này sẽ có thể "cởi trói" cho nền kinh tế Indonesia vốn đang bị ràng buộc bởi một mạng lưới các quy định, thủ tục rườm rà khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản chí khi quyết định đầu tư vào thị trường với 280 triệu dân này.
Trong bối cảnh suy thoái, kinh tế Indonesia rất cần các khoản đầu tư khổng lồ ngay lúc này nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, qua đó giảm tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Trong bối cảnh đó, Luật Omnibus hướng tới việc sửa đổi 79 điều luật và loại bỏ hàng nghìn quy định không thân thiện đối với kinh doanh và đầu tư.
Omnibus cũng được kỳ vọng rằng sẽ tạo ra những thuận lợi nhất định cho các nhà sử dụng lao động khi tiến hành kinh doanh sản xuất tại Indonesia, trao cho họ nhiều quyền lựa chọn và sa thải lao động hơn khi nhận thấy chất lượng lao động của công nhân không đảm bảo.
Ngoài ra, Omnibus cũng được kỳ vọng sẽ là động lực lớn vực dậy nền kinh tế Indonesia giai đoạn hậu COVID-19, đồng thời sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tạo cơ sở cho Indonesia phát triển một cách bền vững… và nhiều lợi ích khác mà Omnibus được cho là sẽ mang lại và kích thích phát triển kinh tế tại Indonesia.
Bộ luật mới, trong đó bao gồm việc bổ sung 174 điều khoản mới vào 79 điều khoản luật hiện hành nhằm quản lý các lĩnh vực như thuế, lao động, đầu tư và môi trường, được coi là một "liều thuốc giải" giúp tạo ra việc làm cần thiết để bù đắp cho sự sụt giảm kinh tế của Indonesia, vốn bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai (2019-2024), ông Jokowi đã ấp ủ dự luật Omnibus với mục đích là thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại Indonesia.
Tổng thống Jokowi cho rằng Indonesia cần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm chạp trong nhiều năm qua, trong khi các quốc gia láng giềng áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế và đang trên đà vượt Indonesia.
Ông Jokowi đã sử dụng lý do kinh tế quốc gia đang bị đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng để nhấn mạnh rằng hơn lúc nào hết, Indonesia cần nhanh chóng điều chỉnh các chính sách đầu tư và thu hút đầu tư, tạo việc làm để khẩn trương vực dậy nền kinh tế.
[Luật Omnibus và cuộc cải cách lớn chưa từng có tại Indonesia]
Ông Jokowi kỳ vọng rằng luật Omnibus sẽ giúp Indonesia rút ngắn các thủ tục hành chính và tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Sau gần 20 chương trình cải cách được triển khai từ năm 2015 đến năm 2019 tại nước này, các cải cách này phần lớn không hiệu quả và việc triển khai bị cản trở bởi các quy định chồng chéo, sự xung đột với khoảng 80 điều luật khác cùng hàng nghìn quy định của tổng thống và các quy định cấp bộ.
Do đó, luật Omnibus được thiết kế để loại bỏ thói quan liêu kém hiệu quả và các quy định cấp phép quá mức, cũng như các quy định không rõ ràng, chồng chéo và mâu thuẫn vốn từ lâu cản trở khả năng cạnh tranh.
Theo giới quan sát, trọng tâm trong tầm nhìn kinh tế của ông Jokowi là tập trung hóa quyền lực tại Jakarta, điều mà ông Jokowi coi là bước cần thiết để vượt qua những nút thắt về quyền tài phán này. Ông Jokowi đã dựa vào các doanh nghiệp nhà nước để tăng tốc thu hồi đất và vượt qua các rào cản về quy định và pháp lý.
Ông Jokowi đã tìm cách hạn chế quyền hành của các quan chức địa phương và trao quyền cho các cơ quan quốc gia. Phần lớn việc này đã được thực hiện thông qua các sắc lệnh và các quy định của tổng thống. Omnibus là một nỗ lực để hệ thống hóa những cải cách này thành các điều luật mang tính ràng buộc pháp lý.
Xét từ góc độ kinh tế tổng hợp, những nỗ lực này của ông Jokowi đã phát huy tác dụng. Các nhà đầu tư đã háo hức mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giúp bảo lãnh các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Tăng trưởng vẫn ổn định ở mức 5% bất chấp một số khó khăn kinh tế. Nguồn vốn cố định của Indonesia cũng từ đó tăng lên đáng kể.
Trong giai đoạn 10 năm làm tổng thống của ông Susilo Bambang Yudhoyono, Indonesia chỉ xây dựng được 229km đường thu phí mới. Trong khi đó, chỉ chưa đến bốn năm trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Jokowi đã xây dựng được hơn 700km đường giao thông thu phí.
Rõ ràng ông Jokowi coi những nỗ lực này là lợi ích ròng cho nền kinh tế Indonesia và là động cơ tăng trưởng và tạo việc làm (cần lưu ý rằng, với nhiều tư duy kinh tế chủ đạo).
Omnibus giống như việc tăng quyền hạn tập trung đối với việc cấp phép và các quy định để thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và sản xuất. Đây là tầm nhìn của ông Jokowi về phát triển kinh tế và ông đã thành công với tầm nhìn này trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là sự phát triển kinh tế này phục vụ cho ai? Việc Indonesia tăng tốc xây dựng các tuyến đường thu phí xuyên Java bị trì hoãn từ lâu là một trong những vấn đề đáng chú ý, đặc biệt là với những thách thức tài chính, chính trị và quy định mà nó phải vượt qua.
Việc xây dựng hệ thống giao thông đã mang lại một số lợi ích kinh tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người Indonesia có thể không bao giờ hoặc hiếm khi có cơ hội sử dụng nó vì phí sử dụng cầu đường quá cao so với mức thu nhập của họ.
Liệu luật lao động này sẽ có hiệu quả như thế nào?
Phân tích về các quy định lao động trong Luật Omnibus mới, tờ Jakarta Post cho rằng về cơ bản chúng vẫn duy trì các quyền lao động được Luật Lao động năm 2003 bảo vệ. Hơn nữa, ước tính chưa tới 30% trong tổng số 131 triệu lao động làm việc trong khu vực chính thức của Indonesia được bảo vệ bởi các quy định lao động. 70% còn lại vẫn mắc kẹt trong khu vực phi chính thức, do đó không đủ điều kiện để được bảo hộ lao động theo các quy định của pháp luật.
Hậu quả là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sẽ vẫn không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nếu các quy tắc lao động không được sửa đổi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của lao động Indonesia so với các nước láng giềng Đông Nam Á khác.
Ở một quốc gia vốn không nổi tiếng về năng suất lao động như Indonesia, các quy định lao động quá cứng nhắc khiến việc chấm dứt hợp đồng đối với người làm công hầu như là không thể. Điều này đã khiến vô số các nhà đầu tư tiềm năng quay lưng và khuyến khích các nhà tuyển dụng tránh tuyển thêm người mới, thay vào đó sử dụng các hợp đồng linh hoạt để thuê ngoài phần lớn công việc của họ.
Các quy định lao động cũ thiếu linh hoạt chắc chắn là một bất lợi lớn đối với người sử dụng lao động, bởi vì các công ty ngày nay đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế thay đổi với các tác động không giống nhau giữa các lĩnh vực kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, các điều khoản sửa đổi của luật Omnibus sẽ tạo ra sự linh hoạt trong việc ký kết hợp đồng và thuê lao động bên ngoài, giúp các công ty có thể thích ứng với thay đổi - điều chắc chắn duy nhất trong môi trường kinh doanh ngày nay bất chấp đại dịch COVID-19.
Lý do khiến chính phủ tham gia sâu vào thị trường lao động là vì một thị trường lao động tự do sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho người lao động do tình trạng bất bình đẳng và các lợi ích thường đối lập giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Các chính sách lao động quá ưu đãi người lao động sẽ hạn chế đầu tư mới và thúc đẩy các công ty thuê lao động thời vụ. Trong khi đó, người sử dụng lao động muốn có lợi nhuận, các nghiệp đoàn muốn trả lương tốt hơn và chính phủ muốn một môi trường đầu tư thuận lợi.
Tuy nhiên, tờ Jakarta Post cũng lưu ý Chính phủ Indonesia cũng nên nhận ra một thực tế rằng, trong khi phần lớn lực lượng lao động hiện đang làm việc ở khu vực nông thôn, thì chính khu vực này lại bị các nhà hoạch định chính sách “bỏ quên” từ lâu.
Không có gì ngạc nhiên khi khu vực nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và năng suất thấp nhất. Tình trạng này sẽ vẫn như vậy trừ khi chính phủ tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng nông thôn và mở rộng phạm vi chương trình khuyến nông.
Tờ The Conversation dẫn nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng luật Omnibus sẽ không có nhiều tác động đến vấn đề tạo việc làm tại Indonesia. Chính phủ Indonesia chỉ ra rằng đầu tư là chìa khóa để tạo ra việc làm nhưng dữ liệu đầu tư của Indonesia đã chỉ ra rằng vấn đề thất nghiệp ở Indonesia không phải do thiếu vốn đầu tư.
Theo giải thích của nhà kinh tế học Faisal Basri, hoạt động đầu tư tại Indonesia được ghi nhận khá tốt. Đầu tư đang tiếp tục tăng, nhưng khả năng thu hút lao động lại đang giảm.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao đầu tư vào Indonesia không có tác động đến tạo việc làm và cải thiện phúc lợi cho người lao động, chuyên gia Faisal Basri cho rằng vấn đề không phải là làm thế nào để thu hút đầu tư, mà là dòng vốn đầu tư chảy vào đâu?
Dữ liệu mới nhất từ Ban điều phối hoạt động đầu tư (BKPM) của Indonesia xác nhận tại khu vực sản xuất, vốn từng là trụ cột của nền kinh tế, đang bị thay thế bởi khu vực dịch vụ hoặc khu vực cấp ba, vốn đang ngày càng chiếm ưu thế. Các ngành dịch vụ thu hút nhiều vốn nhất là ngành xây dựng, vận tải, viễn thông và dịch vụ tài chính ngân hàng.
Dòng vốn tại Indonesia có những tác động khác nhau theo hai hướng, đó là tác động có hại cho người nghèo và có lợi cho giới tinh hoa. Đối với những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu tại Indonesia, xu hướng này cũng gây ra nhiều bất lợi.
Thứ nhất, ngành dịch vụ là một trong những ngành thường sử dụng nhiều vốn và không thâm dụng lao động. Điều này có nghĩa là có sự thu hút lao động tối thiểu.
Thứ hai, chất lượng của các mối quan hệ công việc trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là đối với những người lao động có kỹ năng tối thiểu và khả năng lao động không thực sự tốt cũng có xu hướng kém.
Lĩnh vực này cần thuê lao động ngoài, sử dụng không hạn chế lao động hợp đồng và cũng nhiều khi lao động bị sa thải. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng ở mức tối thiểu.
Cuối cùng, việc tiếp tục tăng đầu tư không có tác động đến việc cải thiện việc làm cả về số lượng và chất lượng ở Indonesia. Hãy so sánh việc này với các quốc gia láng giềng tại khu vực Đông Nam Á.
Thu nhập thực tế bình quân hàng tháng mà người lao động Indonesia nhận được vẫn ở mức thấp nhất. Mặt khác, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng đầu tư vào Indonesia là các thành phần thuộc tầng lớp thượng lưu, đặc biệt là các tập đoàn và các chính trị gia đã thống trị cơ cấu giai cấp kinh tế-xã hội.
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đổ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các tòa cao ốc, cũng như các lĩnh vực điện, khí, nước sạch, viễn thông, giao thông vận tải và tài chính.
Ngoài lĩnh vực dịch vụ, đầu tư vào Indonesia cũng gia tăng trong các lĩnh vực trồng trọt, khai thác và lâm nghiệp. Đầu tư vào lâm nghiệp đã tăng hơn 15 lần trong 5 năm (2014-2019).
Kinh doanh trong các lĩnh vực này đồng nghĩa với phải bỏ ra một khoản tiền lớn để thuê nhà, thuê địa điểm kinh doanh. Thay vì dựa vào việc tạo ra vốn thông qua sản xuất và sử dụng lao động, các doanh nghiệp phải chi phí tiền thuê mặt bằng kinh doanh, theo đuổi lợi nhuận bằng cách chủ yếu sản xuất và thao túng việc phân phối các nguồn lực kinh tế thông qua các giao dịch chính trị với giới tinh hoa chính trị, chẳng hạn như sử dụng các hình thức hợp tác đấu thầu, cơ chế xin cho giấy phép hoặc nhượng bộ quyền quản lý đất đai.
Việc thông qua Omnibus bổ sung cho các sửa đổi khác nhau trước đây đối với các quy định đã làm suy yếu quyền lợi của người dân nhưng lại củng cố thêm cho vị thế của giới tài phiệt. Chính tính hai mặt này là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình chống Omnibus.
Nếu Omnibus hoạt động như dự kiến, luật này sẽ thúc đẩy một loại hình tăng trưởng kinh tế mà cụ thể là một loại hình ưu tiên sản xuất và đầu tư. Các cuộc biểu tình xuất phát từ mong muốn của một bộ phận xã hội dân sự yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm và đảm bảo rằng những người lao động có thể chịu thiệt thòi sẽ được chia sẻ lợi ích và được bảo vệ khỏi gánh chịu mọi chi phí.
Quá trình chính trị phức tạp và không minh bạch tại Indonesia chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Làn sóng chống đối Omnibus tiếp tục gia tăng sau khi dự luật Omnibus được thông qua. Mặc dù trước đó Chính phủ Indonesia đã cam kết sẽ hoãn các cuộc bỏ phiếu, nhưng chính phủ đã đẩy nhanh việc chuẩn bị để thông qua một bộ luật gây tranh cãi này.
Ngay sau khi Omnibus chính thức được Quốc hội Indonesia thông qua ngày 5/10 vừa qua, thay vì vui mừng vì đón nhận những cơ hội việc làm mới mà Chính phủ Indonesia hứa hẹn sẽ được tạo ra bởi Omnibus, hàng triệu người dân Indonesia trên khắp đất nước đã xuống đường biểu tình phản đối Omnibus.
Nahdlatul Ulama (NU), tổ chức Hồi giáo lớn nhất do Phó Tổng thống đương nhiệm Ma’ruf Amin đứng đầu, tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án Hiến pháp của Indonesia và yêu cầu phải xem xét lại tư cách pháp nhân của một số cơ quan lập pháp có liên quan đến Omnibus.
Mặc dù trước đó, năm 2019, NU là một tổ chức Hồi giáo có số lượng tín đồ lớn nhất tại Indonesia đã ủng hộ ông Jokowi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai và hỗ trợ đắc lực để ông Ma’ruf Amin liên danh dành chức vụ Phó Tổng thống Indonesia hiện nay.
Trong tuyên bố được đưa ra ngày 8/10, mặc dù bày tỏ sự đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Jokowi trong việc cải cách, phát triển nền kinh tế quốc gia, nhưng NU đã chỉ trích ông Jokowi thiếu cân nhắc trong quá trình thúc ép Quốc hội Indonesia thông qua Omnibus.
NU cũng cho rằng chính phủ của ông Jokowi đã coi nhẹ quyền lợi của người lao động và cuộc sống của phần lớn người dân Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Omnibus có hiệu lực.
Ngoài ra, Omnibus có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến việc phát triển bền vững của Indonesia khi có nhiều quy định trong Omnibus sẽ miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với những đối tượng phá rừng để phát triển kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng Chính quyền của Tổng thống Jokowi đang đánh cược rằng Luật Omnibus sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế đủ để bù đắp những đánh đổi chính trị bất lợi hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng hiện rất khó đánh giá hiệu quả kinh tế của Omnibus mang lại, dự kiến sẽ được định hình thêm thông qua các quy định tiếp theo được công bố.
Bất chấp điều đó, dường như Tổng thống Jokowi và liên minh cầm quyền của ông đang đánh cược quá lớn và đánh giá sai mức độ phản kháng trong nhân dân khi họ cố gắng thông qua dự luật này./.