Vì sao cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành?

Luật sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập. Trong số đó, Chính phủ đề xuất lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ngoài ngân sách.

Thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt trong dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt trong dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều nay, 18/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, việc ban hành Luật sửa đổi này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng thông tin trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP; trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu, quyền liên quan đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương.

Điều 90 dự thảo luật nêu Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Quỹ phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích do nhà nước quản lý; mua và đưa cổ vật, di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; hoàn thiện các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị của Việt Nam cho các bảo tàng công lập.

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_nghe_trinh_bay_ve_luat_sua_doi_bo_sung_mot_so_dieu_cua_luat_duoc_va_luat_di_san_van_hoa_sua_doi_7436731.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện kiểm toán theo quy định, bảo đảm công khai tài chính và minh bạch kết quả hoạt động.

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa

Nêu ý kiến thẩm tra đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, hồ sơ dự án luật kèm theo 7 dự thảo nghị định và 7 dự thảo thông tư quy định chi tiết theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

z5550873542555_c83a7ec26a4638dd4fe2dd476e776cd1.jpg
Thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo là một nét văn hóa truyền thống được người dân Việt lưu giữ qua bao đời nay. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Liên quan đến nội dung về sở hữu di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này, đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có). Cùng với đó, Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Bổ sung một số điều của luật có liên quan

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động của chính sách, điều kiện, khả năng thực hiện đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa để bảo đảm tính khả thi, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan (Luật Xây dựng; Luật Đầu tư; Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Điều 100), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_nghe_trinh_bay_ve_luat_sua_doi_bo_sung_mot_so_dieu_cua_luat_duoc_va_luat_di_san_van_hoa_sua_doi_7436736.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Cơ quan soạn thảo cần bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “lập thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” vào mục 194 của Phụ lục IV của Luật Đầu tư để thống nhất với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 76 dự thảo luật; xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với lĩnh vực “di sản văn hóa” để thống nhất với quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, hiện có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến giải thích khái niệm, từ ngữ như: số lượng khái niệm, từ ngữ được giải thích còn nhiều; nội hàm một số khái niệm chưa rõ; nội dung giải thích còn rải rác ở nhiều điều, khoản khác nhau trong dự thảo luật. Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý phù hợp./.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng quy định di vật (hiện vật có giá trị được lưu truyền), cổ vật (di vật có từ 100 tuổi trở lên) thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh trong nước. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng các hiện vật này.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề xuất việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan. Nhà nước được ưu tiên sở hữu thông qua chuyển nhượng đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và khuyến khích cá nhân, tổ chức, bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có giá trị của Việt Nam từ nước ngoài về nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục