Vì sao các tuyến Cao tốc Bắc-Nam thông xe vắng trạm dừng nghỉ?

Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt triển khai đồng bộ để hoàn thiện quy hoạch, tiến tới kêu gọi nhà đầu tư đấu thầu xây dựng, đảm bảo tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác phải có trạm dừng nghỉ.
Vì sao các tuyến Cao tốc Bắc-Nam thông xe vắng trạm dừng nghỉ? ảnh 1Trạm dừng nghỉ V52 được xây dựng tại Km52 tuyến Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặc dù một số đoạn tuyến Cao tốc Bắc-Nam đã được đưa vào khai thác, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thắc mắc vì sao khi thông xe và đưa vào khai thác, vận hành đến nay vẫn chưa có trạm dừng nghỉ dọc tuyến.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư xã hội hóa

Tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào khai thác các đoạn tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm: Lạng Sơn (Chi Lăng)-Hà Nội, Hà Nội-Cao Bồ (Ninh Bình), Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn-Hòa Liên, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn qua hầm Cù Mông và hầm Đèo Cả, Phan Thiết-Dầu Giây, Dầu Giây-Long Thành (đi trùng 21km), Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận). Ngày 19/5 sẽ thông xe thêm 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Nha Trang-Cam Lâm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác thêm 3 dự án gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.

Trong quá trình phê duyệt dự án, triển khai đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã hoạch định đầu tư khoảng 39 cặp trạm dừng nghỉ (dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 cặp trạm) trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông nhằm đảm bảo khoảng cách từ 50-60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120-200km. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác; 2 dự án đang được đầu tư.

[Sẽ có 39 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ Cao tốc Bắc-Nam]

Để đáp ứng yêu cầu khai thác đối với một số dự án thành phần chuẩn bị hoặc đã được đưa vào sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận vị trí, quy mô 16 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông và yêu cầu các Ban Quản lý Dự án khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành; Công ty Điện máy xăng dầu Trần Phú…

Ngày 7/3/2023, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 01/TT-GTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do bộ quản lý, các chủ đầu tư đã đủ công cụ pháp lý để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 30 trạm dừng nghỉ trên Cao tốc Bắc-Nam.

Theo đại diện Cục Đường Cao tốc Việt Nam, nếu triển khai theo kế hoạch triển khai tuần tự, thông thường, thời gian hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ mất khoảng 10-12 tháng.

“Trong trường hợp thuận lợi, không phát sinh các tình huống làm rõ hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu... khoảng giữa tháng 8/2023 (trường hợp chỉ định thầu) và khoảng giữa tháng 10/2023 (trường hợp đấu thầu rộng rãi) sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư,” lãnh đạo Cục Đường Cao tốc Việt Nam thông tin.

Đường đưa vào khai thác phải có trạm dừng nghỉ

Hầu hết các trạm dừng nghỉ được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa (huy động nguồn lực đầu tư tư nhân). Tuy nhiên, các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa được đầy đủ và rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà Đầu tư công trình Giao thông Đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải kinh doanh được mới hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, các trạm dừng nghỉ cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô của từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu.

“Chậm xây dựng các công trình này sẽ gây khó khăn cho lái xe và người tham gia giao thông khi cần ăn uống, vệ sinh, bơm xăng, kiểm tra các điều kiện an toàn phương tiện. Cơ quan quản lý Nhà nước cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng để nhà đầu tư dễ hình dung các hạng mục công trình. Tuyến cao tốc nào lưu lượng xe chưa cao, nhà đầu tư có thể phân kỳ đầu tư đến khi hoàn thiện để khuyến khích họ tham gia,” ông Chủng góp ý.

[Bộ GTVT: Mỗi trạm dừng nghỉ trên cao tốc cách nhau từ 50-60km]

Theo một chuyên gia giao thông, với đầu tư các trạm dừng nghỉ, khi bỏ ra số tiền lớn, nhà đầu tư thường tính toán, phân tích phương án đầu tư cụ thể, trong đó phương án hoàn vốn là quan trọng nhất. Do phải vay vốn, nhà đầu tư cũng tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp với sự tăng trưởng của lưu lượng.

“Nếu như các tuyến Cao tốc Bắc-Nam hoàn thành, lưu lượng xe tăng cao, dòng xe ổn định, việc đầu tư sẽ được đảm bảo hơn về tiếp cận nguồn vốn vay và khả năng thu hồi vốn,” chuyên gia này nên quan điểm.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban quý 1/2023 vào cuối tháng Ba vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Thông tư liên quan đến đầu tư trạm dừng nghỉ đã được ban hành nên công tác xây dựng mạng trạm dừng nghỉ cần phải làm quyết liệt, đồng bộ để hoàn thiện quy hoạch, tiến tới kêu gọi nhà đầu tư đấu thầu xây dựng, đảm bảo đường đưa vào khai thác phải có trạm dừng nghỉ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục