Gần một năm đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới, các nhà nghiên cứu đã xác định được hàng chục yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở một bệnh nhân COVID-19, trong đó phải kể tới tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì.
Tuy nhiên, trên tất cả, yếu tố rủi ro lớn nhất chính là tuổi tác. Những người ở độ tuổi 60 có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp đôi so với những người ở độ tuổi 50. Tỷ lệ tử vong ở những người từ 70 tuổi trở lên cũng cao hơn. Nghiên cứu cho thấy xác suất tử vong vì căn bệnh này tăng gấp đôi cho mỗi 8 tuổi.
Điều này giúp giải thích tại sao trong đại dịch COVID-19, các quốc gia giàu có hơn nhưng có dân số già hơn lại chịu hậu quả tồi tệ hơn so với các nước nghèo hơn nhưng có dân số trẻ hơn.
Để ước tính mức độ dễ bị tổn thương của một quốc gia trong đại dịch COVID-19, The Economist đã kết hợp dữ liệu dân số từ Liên hợp quốc với tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh (IFR) theo độ tuổi ở căn bệnh này. Sau đó tiếp tục sử dụng các dữ liệu thu thập được từ Brazil, Đan Mạch, Anh, Thụy Điển, Italy Hà Lan, Tây Ban Nha và các vùng của Thụy Sĩ và Mỹ.
[Giới chức Y tế Hàn Quốc lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 thứ 3]
Từ những dữ liệu này, các chuyên gia tính toán IFR điều chỉnh theo độ tuổi. Kết quả cho thấy Nhật Bản là nước dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19 hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Với độ tuổi trung bình là 48, Nhật Bản có chỉ số IFR ước tính là 1,3%.
Tiếp đến là Italy với dân số có độ tuổi trung bình là 47 và chỉ số IFR là 1,1%. Châu Âu nói chung có IFR dự kiến là 0,9%, cao hơn chút ít so với của Mỹ (0,7%), Trung Quốc (0,5%) hoặc Ấn Độ (0,3%).
Trong khi đó, các nước ở châu Phi có IFR điều chỉnh theo độ tuổi thấp - ở mức 0,2%. Uganda là nước ít bị tổn thương nhất khi độ tuổi trung bình của người dân chỉ là 17 và IFR ước tính ở mức 0,1%.
Các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, hút thuốc lá hay hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng được tính đến. Đi cùng với đó là các yếu như tỷ lệ lây nhiễm tại một nước, các quy định về giãn cách xã hội và mức độ tuân thủ của người dân.
Tuy nhiên, việc biết IFR được điều chỉnh theo độ tuổi của các quốc gia rất hữu ích. Nó cho phép so sánh công bằng hơn giữa các nước, nêu bật tầm quan trọng của việc kiểm soát việc lây nhiễm, đặc biệt là ở những nước có nhiều người cao tuổi như Nhật Bản và phần lớn các nước châu Âu.
Theo worldometers.info, tính đến 15 giờ ngày 12/12 (giờ Việt Nam), châu Âu ghi nhận 19,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó 451.000 người đã tử vong. Số ca tử vong tại Italy là hơn 63.000 người. Nhật Bản xác nhận hơn 171.000 bệnh nhân, trong đó 2.502 người đã tử vong. Uganda có 26.369 bệnh nhân, gồm cả 220 người tử vong.
Thế giới ghi nhận tổng cộng 71,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 1,6 triệu người đã qua đời./.