Một số các đường bay đến sân bay nhỏ đã phải tạm dừng sau một thời gian cất cánh do vắng khách và thua lỗ khiến sự kỳ vọng của các địa phương khi kêu gọi các hãng hàng không mở đường bay đến nhằm phát triển kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng.
Tạm dừng bay do không thể gồng lỗ
Ngoài một số đường bay trục chính kết nối Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng/Cam Ranh/Hải Phòng, những năm vừa qua, các hãng hàng không liên tục mở các đường bay ngách đến sân bay nhỏ như Điện Biên, Cà Mau, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Phú Bài… đặc biệt là các tân binh mới gia nhập thị trường (như Bamboo Airways, Vietravel Airlines), nhằm mở rộng thị phần hành khách và nâng tầm thương hiệu.
Bắt đầu đưa vào khai thác đường bay thẳng Hà Nội-Cà Mau bằng phản lực Embraer 190 hiện đại của Hãng hàng không Bamboo Airways với tần suất ban đầu là 3 chuyến khứ hồi/tuần (trong các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần) từ 29/4, tuy nhiên, sau gần 3 tháng cất cánh, tới ngày 25/7 vừa qua, đường bay này của hãng đã phải tạm dừng khai thác.
Hiện các loại máy bay nhỏ khai thác chuyến bay đến Cà Mau chủ yếu là ATR72 của Hãng hàng không VASCO và Embraer 190 của Bamboo Airways. Song, máy bay E190 khai thác đi/đến Sân bay Cà Mau phải giảm tải khách và hàng hóa, lỗ chi phí do chỉ số kỹ thuật về hạ tầng đường băng của sân bay này chưa đáp ứng.
Trước đó, Bamboo Airways cũng khai thác đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn, song hiện tại website bán vé của hãng không còn cho đặt vé chặng bay này.
[‘Không hãng bay nào có lãi nếu chỉ kinh doanh vận tải hàng không']
Cuối tháng Tư vừa qua, Hãng hàng không Vietjet Air khai trương đường bay thẳng Cần Thơ-Vân Đồn. Đến nay, đường bay này cũng đã tạm dừng và không còn hiển thị mở bán vé trên website của hãng.
Đại diện một hãng hàng không cho biết vẫn có chiến lược phủ rộng mạng bay, nhất là các đường bay ngách tới các địa phương nhưng nếu khai thác không có hiệu quả, chuyến nào cũng lỗ thì không thể cố gắng duy trì cho dù các tỉnh có kêu gọi mở đường bay.
“Nhiều đường bay ngách vắng khách mùa thấp điểm, sân bay nhỏ không đủ điều kiện để khai thác máy bay lớn khiến các hãng bay không thể tối đa hóa được lợi nhuận, dẫn tới bình quân chung cả năm các hãng hàng không đều phải bù lỗ lớn, khó đạt được điểm hòa vốn khi mở các đường bay ngách,” đại diện một hãng bay chia sẻ.
Địa phương cần sát cánh với hãng bay
Ngày 10/10, tại Kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề), Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau đã thông qua Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh Cà Mau, hiệu lực từ ngày 1/11. Để được nhận hỗ trợ, các hãng hàng không phải cam kết với tỉnh bay cả năm và 6 chuyến/tuần. Theo tính toán của các ngành chức năng, nếu hỗ trợ thì không quá 7 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để báo cáo Chính phủ khẩn trương thực hiện thủ tục nâng cấp sân bay tỉnh nhằm giúp cho các loại máy bay được khai thác hết vận tải.
Hay như Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines, VASCO xem xét tăng tần suất khai thác và duy trì bay thường lệ hàng ngày (hiện đang khai thác 3 chuyến/tuần) để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và mở thêm 1 đường bay mới Rạch Giá-Phú Quốc-Rạch Giá.
[Khả năng cắt lỗ của các hãng bay Việt năm 2023 vẫn còn mong manh]
Đổi lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ đồng hành cùng Vietnam Airlines và VASCO để quảng bá, thông tin rộng rãi hơn về hình ảnh, thương hiệu của các Công ty đến với khách hàng.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) nhìn nhận việc mở đường bay ngách kết nối các sân bay nhỏ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế địa phương, kích cầu du lịch, giao thương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.
“Đã đến lúc các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương đang có các cảng hàng không nhỏ cần coi việc hỗ trợ để các hãng bay duy trì khai thác đường bay ngách là sự đầu tư cho không chỉ hạ tầng giao thông mà còn bao gồm cả chi phí cơ hội cho khả năng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương, đặc biệt là hiệu quả to lớn trong lĩnh vực thu hút đầu tư, kích cầu du lịch,” ông Nề góp ý.
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các hãng bay để duy trì các đường bay, về lâu dài, ông Nề cho rằng việc nâng cấp các sân bay nhỏ tại các địa phương đã có chủ trương cần sớm triển khai thực hiện nhằm đón những loại máy bay cỡ lớn, “cõng” được nhiều khách và hàng hóa./.