Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Việt Nam là một trong 3 nước có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất châu Á trong 6 tháng đầu năm 2020.
Giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng này đến từ việc doanh nghiệp “tranh thủ” phát hành trái phiếu trước khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDREC (VNDIRECT), lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 168.328 tỷ đồng; trong đó, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 156.328 tỷ đồng, tăng 88,1% so với mức 89.480 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trong quý 2, đặc biệt trong tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám là do thông tin Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (Nghị định 81) về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP (Nghị định 163) quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp."
[Trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro thẩm định đẩy về phía người mua]
Theo VNDIRECT, Nghị định 81 sẽ thắt chặt hơn điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, do đó doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trước khi nghị định này có hiệu lực.
Thực tế, theo Nghị định 81, mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra con số giới hạn là 3 lần. Số lần phát hành trái phiếu cũng sẽ bị siết lại sau khi Nghị định mới có hiệu lực.
Đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1-2 đợt mỗi năm.
Doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin. Trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư trong vòng một năm, sau đó được giao dịch không hạn chế.
Nghị định cũng quy định Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về chế độ công bố thông tin đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tổ chức lưu ký cung cấp thông tin định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm về tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu cho Sở Giao dịch chứng khoán để Sở giao dịch chứng khoán tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tính đến cuối tháng Sáu, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP. Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước châu Á có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất.
Hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng vẫn là những tổ chức phát hành lớn nhất trên thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành là 47.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong quý 2/2020, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 47.200 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý 1/2020 và cùng kỳ 2019.
SSI nhận định sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết kênh phát hành trái phiếu rất hiệu quả để các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ xã hội và làm giảm nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường đưa ra lãi suất từ 12-14%, cá biệt có những doanh nghiệp đưa lãi suất phát hành trái phiếu lên đến 18-19%, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường bất động sản, cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Theo ông Châu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch. Hiện nay, chưa có đầy đủ cơ chế kiểm soát hiệu quả việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; chưa có nhiều đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đánh giá tính khả thi của phương án phát hành trái phiếu.
Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo yếu tố minh bạch và thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi nên có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Việc gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân; trong đó có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp phát hành trái phiếu và danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 thay thế cho Nghị định 163 trước đây về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Nghị định 81 có quy định giá trị phát hành trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu quá 2 lần trong 1 năm và mỗi lần cách nhau phải là 6 tháng. “Chúng tôi cũng thấy rằng những quy định này là hợp lý,” ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho biết thực tế, hơn 80% doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành trái phiếu trong phạm vi khoảng 3-4 lần vốn chủ sở hữu và vẫn phát hành ở mức lãi suất từ 10-12%/năm. Như vậy, phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở mức lãi suất chấp nhận được.
Tuy nhiên, Ông Châu cũng nhận định là sẽ có nhiều doanh nghiệp tranh thủ phát hành trái phiếu cho đến khi Nghị định 81 có hiệu lực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan quản lý đang từng bước điều tiết và uốn nắn để kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đi vào nề nếp, quy củ và có sự an toàn trong tương lai.
Ông Bảo nhận thấy cơ quan quản lý đã có 3 điều chỉnh rất quan trọng. Đó là điều chỉnh về quy mô phát hành để doanh nghiệp không rơi vào tình huống phát hành lượng trái phiếu gấp vài chục lần như đã từng xảy ra trong thực tiễn.
Điều chỉnh nữa là về mặt lãi suất, nghĩa là trần lãi suất bị khống chế. Điều này khiến các doanh nghiệp không thể đưa ra một mức lãi suất quá cao để “chiêu dụ” nhà đầu tư nhưng làm suy yếu khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đã có sự ràng buộc về thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp giúp việc phát hành trái phiếu an toàn, hiệu quả hơn và làm cơ sở để phát triển thị trường thứ cấp trong tương lai.
Theo ông Bảo, những điều tiết này là hợp lý, hiệu quả, hứa hẹn giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hài hòa hơn và tăng trưởng tích cực hơn trong tương lai.
Sau bước đầu tiên là Bộ Tài chính đã ban hành các nghị định mới để tăng hiệu quả, bảo đảm an toàn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Bảo cho rằng, bước thứ 2, cơ quan quản lý cần có giải pháp phù hợp để phát triển thị trường thứ cấp. Đây là nơi mà nhà đầu tư có thể mua và bán lại các trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường thứ cấp phát triển giúp nhà đầu tư nhận diện rõ hơn về tỷ suất sinh lợi. Thực tế, nhà đầu tư ngoài được hưởng lãi suất thì phần thứ 2 cũng quan trọng không kém đó là chênh lệch mua bán trên thị trường thứ cấp, đây cũng là món lợi nhuận rất hấp dẫn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ rất phát triển trong tương lai vì thị trường này vẫn khá sơ khai. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng phổ biến hơn. Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn nếu các cơ quan chức năng bám sát thị trường, có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, xử lý tồn đọng, tháo gỡ vướng mắc nhà đầu tư và tổ chức phát hành gặp phải.
Bên cạnh đó, việc phát triển tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng rất cần thiết, bởi khi có tổ chức xếp hạng tín nhiệm thẩm định, đưa ra đánh giá về chất lượng trái phiếu của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư tự tin bỏ tiền đầu tư trái phiếu.
“Khi đó chúng ta sẽ có thị trường thứ cấp nhộn nhịp và tôi cho rằng, kênh trái phiếu sẽ không thua kém gì với thị trường cổ phiếu hoặc kênh gửi tiết kiệm hiện nay,” ông Bảo nêu quan điểm./.