Tổng số tiền nợ thuế, chậm nộp, phạt không thể thu hồi tính tới hết năm 2017 đã lên tới hơn 35.000 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng nợ. Để giải quyết, lãnh đạo Bộ Tài chính vừa đề xuất xóa nhiều khoản nợ do nguyên nhân bất khả kháng cũng như khoanh nợ cho một số đối tượng.
Khó xóa nợ vì vướng quy định
Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương xin ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi.
[Tổng cục Thuế kiến nghị “xử lý” khoản nợ thuế không có khả năng thu]
Theo tính toán của đại diện Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2017 tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chêt, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng thu hồi lên tới 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng nợ.
Với ngành hải quan, trong số 5.474 tỷ đồng tổng nợ tính tới cuối năm 2017 thì cũng có tới 3.878 tỷ đồng (71%) là nợ không có khả năng thu.
Qua đó, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan là 35.347 tỷ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế.
Lý giải về tình trạng này, đại diện ngành tài chính, một trong nguyên nhân là nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao hoặc các hợp đồng tín dụng đã ký nhưng không được giải ngân.
Trong những trường hợp nêu trên, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, các đơn vị vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn đẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng trường hợp, quy định hiện tại đã nêu việc, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà “không còn tài sản để nộp thuế” thì thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh vướng mắc là: Không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không.
Mặt khác, khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình vợ, con và có thể tài sản chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Bởi vậy, nếu cơ quan thuế thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân những người phụ thuộc đó.
Trường hợp khác, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn quy định hiện tại có nêu: Khoản nợ thuế đã quá 10 năm, cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế thuộc trường hợp được xóa nợ. Tuy nhiên, quy định này tính đến thời điểm hiện tại thì chưa có trường hơp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng được điều kiện đã “áp đụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.” Theo quy định, có 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế như: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, yêu cầu phong toả tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng...
Tuy nhiên, vấn đề là, nhiều doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Bởi vậy, cơ quan chức năng dù muốn cũng không thể áp dụng các biện pháp trên và từ đó khoản nợ không thể xóa.
Trường hợp nào được xóa?
Với những vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp do nguyên nhân bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.
Cụ thể, cơ quan này tính toán xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, địch vụ được thanh toán bàng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán. Số tiền chậm nộp đề nghị xóa trong diện trên khoảng trên 542 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng nêu đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng.
Các trường hợp khó khăn bất khả kháng như: Cơ quan quản lý Nhà nước chậm trả lời, chậm thông báo, thay đổi quy hoạch, kế hoạch làm ảnh hướng đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa thực hiện giảm vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp; Đối tác trong nước hoặc người ngoài phá sản. Tổng số nợ tiền chậm nộp do những nguyên nhân trên tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.
Một khoản lớn khác được đề xuất xóa là nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017. Đây là các trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thực tế, rất nhiều đoanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã giải thể, phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục giải thể, phá sản theo quy định. Theo tính toán, hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp trong diện này.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyên đổi), phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh truớc ngày 1/1/2017.
Với hộ kinh doanh, đại diện ngành tài chính cho rằng: Đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Bởi vậy, tương tự doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng đề xuất xóa nợ tiền thuế, chậm nộp, phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1/1/2017.
Số nợ tiền thuế, chậm nộp, phạt đề nghị xóa với các doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh trong diện trên theo tính toán là 24.302 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng hơn 26.500 tỷ đồng.
Ngoài xóa nợ, một giải pháp khác được nêu lên khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá 1 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh./.