Vì sao Bỉ phải dỡ bỏ các bức tượng của Vua Leopold II?

Leopold II là vua của Bỉ với hơn 40 năm tại vị, từ 1865 đến năm 1909. Ông là một trong những vị vua nhiều tham vọng nhất châu Âu thế kỷ 19, nhưng lại có tư tưởng bóc lột tàn bạo.
Một bức tượng vua Leopold II ở Brussels bị phá hoại hôm thứ Tư, 10/6. (Nguồn: CNN)

Trong khi tượng của những người buôn bán nô lệ, những người theo chủ nghĩa đế quốc và các nhà lãnh đạo phe miền Nam thời Nội chiến Mỹ đang bị phá hoại, dỡ bỏ hoặc chịu sự phản đối ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh, nước Bỉ bỗng gây chú ý khi bắt đầu dỡ bỏ những bức tượng của Vua Leopold II. Vậy nhân vật này là người như thế nào và vì sao ông bị dỡ tượng?

Vua Leopold II là ai?

Leopold II là nhà vua của Bỉ với hơn 40 năm tại vị, từ 1865 đến năm 1909. Ông là một trong những vị vua tham vọng nhất châu Âu thế kỷ 19, nhưng lại có tư tưởng bóc lột tàn bạo.

Là em họ của Nữ hoàng Victoria, ông lên ngôi vào thời điểm người châu Âu đang tiến hành thuộc địa hóa - hay nói cách khác là chinh phục những vùng lãnh thổ mới trên thế giới. Leopold là người chịu trách nhiệm cho một phần lịch sử đặc biệt tàn nhẫn trong cuộc chinh phục được gọi là "Tranh giành châu Phi".

Leopold II đã làm những gì?

Vua Leopold II đã thuê nhà thám hiểm Henry Morton Stanley khám phá vùng lưu vực sông Congo, ký kết nhiều hiệp ước với các nhà lãnh đạo địa phương trên đường thám hiểm.

Sau đó, vị vua này đã lợi dụng các hiệp ước để tuyên bố chủ quyền đối với một vùng đất rộng lớn ở châu Phi - bằng với vùng lãnh thổ hiện là nước Cộng hòa dân chủ Congo.

[Phong trào tượng đài đánh lại bạn lan truyền trên mạng xã hội]

Khi đó, Bỉ đã có quốc hội và chính phủ điều hành đất nước. Họ không ủng hộ kế hoạch đô hộ của Leopold nên vị vua này đã tuyên bố "Nhà nước tự do Congo" là vùng lãnh thổ thuộc sở hữu của cá nhân ông, chứ không phải của nước Bỉ. Leopold còn khiến các quốc gia khác như Mỹ và nhiều nước châu Âu công nhận ông là "chủ sở hữu" của vùng đất này.

Ông nhận được gì khi làm như vậy?

Đầu tiên là một khối tài sản khổng lồ, ban đầu dựa trên ngà voi và sau đó là cao su khi ngành công nghiệp ôtô và xe đạp phát triển.

Leopold đã sử dụng quân đội tư nhân để ép buộc người châu Phi thu thập cao su hoang dã từ rừng nhiệt đới. Đội quân của Leopold bắt giữ nhiều phụ nữ và trẻ em trong các ngôi làng để buộc những người đàn ông phải đi thu thập mủ cao su, với hạn ngạch ngày càng gia tăng.

Tàn bạo ngoài sức tưởng tượng

Leopold nổi tiếng tàn bạo. Những người đàn ông bị ép đi khai thác mủ cao su thường xuyên phải làm việc cho đến chết. Trong khi đó phụ nữ và trẻ em, những người thân thiết nhất của họ, chết vì đói ở nhà.

Sự tàn bạo của Leopold khiến cho nhiều cuộc nổi dậy chống lại ông đã diễn ra, tất cả đều bị đàn áp dã man: Quân lính của nhà vua được lệnh phải mang về một bàn tay của quân nổi dậy, cho mỗi viên đạn mà họ bắn ra. Điều này có nghĩa nếu bắn trượt, họ sẵn sàng chặt bàn tay của ai đó để có thứ mang về báo công.

Quân lính của vua Leopold nằm dưới sự chỉ huy của các sỹ quan da trắng, nhưng đội ngũ của nó lại có không ít người da đen. Điều này khiến họ trở thành những kẻ đồng lõa gây ra nỗi đau mà đồng bào phải gánh chịu. Các nhà sử học ước tính rằng dưới sự cai trị tàn bạo của Leopold, đã có 10 triệu người thiệt mạng.

Nhiều quốc gia đi chinh phạt thuộc địa khi ấy như Bồ Đào Nha, Pháp và Đức từng sao chép phương pháp cai trị của Leopold. Nhưng sau rốt chỉ có Leopold bị coi là kẻ tàn ác nhất và bị buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát cái được gọi là "Nhà nước tự do Congo."

Ông bắt người Bỉ mua lại vùng lãnh thổ này một năm trước khi chết, và nó được đổi tên thành Congo thuộc Bỉ. Người dân nơi đây đã giành được độc lập vào năm 1960. Ban đầu họ lấy tên nước là Zaire, sau đó là Cộng hòa dân chủ Congo, sau khi nhà độc tài lâu năm Mobutu Sese Seko bị lật đổ vào năm 1997.

Một nhà vua bị lãng quên

Ngày nay, cái tên của Leopold có thể không còn được nhiều người nhớ tới. Nhưng lịch sử không quên những gì ông đã làm.

CNN cho biết cụm từ gắn với tên tuổi của Leopold vẫn được sử dụng cho đến ngày nay là "phạm tội ác chống lại loài người"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục