Vì sao bán smartphone qua nhà mạng chưa phổ biến ở Việt Nam?

Khác với các thị trường phát triển, tại Việt Nam người dùng mua smartphone chủ yếu qua các kênh bán lẻ, do vậy cũng ít có cơ hội được sở hữu sản phẩm điện thoại với giá rẻ, được nhà mạng trợ giá.
(Ảnh minh họa)

Khác với hầu hết các thị trường phát triển, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ, tại Việt Nam người dùng mua smartphone chủ yếu qua các kênh bán lẻ, do vậy cũng ít có cơ hội được sở hữu sản phẩm điện thoại với giá rẻ, được nhà mạng trợ giá.

Mua smartphone của nhà mạng có lợi gì?

Nhà mạng trợ giá điện thoại là hình thức người dùng-thuê bao của nhà mạng-mua điện thoại với giá ưu đãi kèm theo cam kết sử dụng gói cước của nhà mạng.

Với hình thức này, người dùng sẽ được sở hữu những chiếc điện thoại có giá rẻ lên tới 40-50%, thậm chí là 70% so với giá bán lẻ của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, qua hình thức này, người mua có thu nhập không cao mới có cơ hội và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận hơn với những mẫu smartphone cao cấp, đắt tiền.

Hình thức nhà mạng bán điện thoại kèm gói cước đã phát triển khá lâu và tương đối phổ biến tại các thị trường phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu… Do vậy, ở các thị trường phát triển này, kênh bán lẻ điện thoại di động rất hiếm và thậm chí một số thị trường gần như không có hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại.

Cùng với việc được mua điện thoại với giá rẻ, khách hàng của nhà mạng còn được sử dụng các gói cước ưu đãi, như được miễn phí một lượng thời gian gọi, số lượng tin nhắn hay một dung lượng data nhất định…

Việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động theo gói cước cũng giúp thuê bao tối ưu được hiệu quả sử dụng và chi phí bỏ ra, đồng thời kiểm soát được khoản chi tiêu cho dịch vụ viễn thông hàng tháng và không bị lãng phí.

Đại diện MobiFone - nhà mạng tiên phong và liên tục có các chương trình bán smartphone trợ giá cho thuê bao, cho biết, thuê bao trả sau của nhà mạng là những người được hưởng lợi nhất từ hình thức bán hàng này. Bởi thuê bao trả sau là những khách hàng trung thành, sử dụng dịch vụ ổn định. Người dùng không phải chi thẳng một món tiền lớn hoặc phải sử dụng hình thức trả góp mà chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để mua máy khi cam kết dùng kèm gói cước, và chỉ phải trả tiền gói cước đã sử dụng hàng tháng.


[Những hình thức mua hàng công nghệ của thế hệ 4.0]

Trên thực tế, ngay tại các thị trường phát triển không phải hầu hết người dùng đều có thể dễ dàng tiếp cận với những dòng smartphone đắt tiền như các dòng cao cấp của Samsung, đặc biệt là iPhone của Apple. Do vậy, kênh bán hàng smartphone qua nhà mạng được đánh giá là phương thức tiếp cận điện thoại đắt tiền dễ dàng nhất của người dùng, nhất là ở những nước đang phát triển vốn có mức chi tiêu không cao.

Vì sao chưa phổ biến tại Việt Nam?

Hình thức bán điện thoại trên tồn tại nhiều bất lợi cho nhà mạng. Do sản phẩm được trợ giá nên nhà mạng phải "ứng một khoản tiền trước" để trả cho nhà sản xuất để người dùng sử dụng điện thoại có giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bán lẻ trên thị trường. Sau đó, khoản "ứng trước" này sẽ được "bù đắp" vào các gói cước cam kết sử dụng của người dùng.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Shop - hệ thống bán lẻ điện thoại lớn thứ hai tại Việt Nam, cũng là đơn vị đã hợp tác với một số nhà mạng để bán điện thoại qua hình thức trợ giá, cho biết, ở nước ngoài, các nhà mạng có cách để ràng buộc khách hàng để hoàn thành hợp đồng đúng hạn. Trong khi đó, ở Việt Nam, chưa có cách nào thực sự hiệu quả để bán hàng hàng theo mô hình trợ giá qua nhà mạng.

Trên 95% smartphone được bán ra tại Việt Nam hiện nay vẫn qua các kênh bán lẻ truyền thống, trong khi hình thức bán qua nhà mạng để người dùng được mua với giá ưu đãi - đã là xu hướng trên thế giới - thì vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam.

Ông Việt Anh cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do chúng ta/nhà mạng chưa có cách nào để quản trị rủi ro. Nếu hôm nay khách hàng mua điện thoại được trợ giá trước, ngày mai họ "biến mất" không trả tiền nữa thì nhà mạng biết làm thế nào.

Nhiều nhà mạng của Việt Nam thực tế từ 5 -7 năm trước đã áp dụng hình thức bán sản phẩm điện thoại kèm gói cước với sản phẩm BlackBerry hay iPhone nhưng số đông nhà mạng gần như không còn duy trì hình thức bán hàng này, đặc biệt là với các sản phẩm đắt tiền như iPhone.

Nhà mạng MobiFone, dường như vẫn "đơn lẻ" trong hành trình mang chính sách ưu đãi trợ giá sản phẩm điện thoại cho thuê bao khi vẫn âm thầm và kiên trì áp dụng chính sách này cho đa dạng các dòng sản phẩm và các thương hiệu điện thoại khác nhau.

Đại diện MobiFone cho biết, ngay với những smartphone cao cấp mới đây là Galaxy Note 9, hay các sản phẩm iPhone mới nhất (iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max) sau khi bán ra tại thị trường Việt Nam, nhà mạng cũng lập tức áp dụng trợ giá cho thuê bao MobiFone và đã thu hút một lượng thuê bao tương đối khá mua smartphone giá ưu đãi và hưởng gói cước hợp lý.

"Tất nhiên bán điện thoại trợ giá cũng có những rủi ro nhất định với nhà mạng, như người dùng sử dụng một hai háng rồi… mất tích thì nhà mạng phải bù tiền máy này. Tuy vậy, thuê bao của MobiFone sử dụng hình thức mua này đều là trả sau nên khá trung thành và ổn định, gần như không có trường "bùng tiền" của nhà mạng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng, phát triển nhiều gói cước và giá bán hấp dẫn hơn nữa để đáp ứng cho người dùng - thuê bao của nhà mạng nhiều hơn", đại diện MobiFone nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục