Vừa qua, Australia đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam với lý do là Công ty Animex Hải Phòng vi phạm tiêu chuẩn ESCAS (quy định xuất khẩu theo chuỗi bảo đảm). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp chăn nuôi, ngành chăn nuôi.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để làm rõ vấn đề này.
- Ông có thể cho biết nguyên nhân cụ thể việc Australia tạm ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam?
- Ông Tống Xuân Chinh: Việc Australia tạm ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam chính thức từ ngày 13/6 vừa qua là vấn đề mới, lạ, chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đã được cảnh báo từ trước.
Theo quy định, để được nhập khẩu bò Australia về Việt Nam, các doanh nghiệp đều phải chấp hành đầy đủ các quy định do nước bạn đặt ra như: lò giết mổ, các công đoạn giết mổ cũng như khâu ướp thịt bò trước khi đem bán ra thị trường. Họ sẽ giám sát quy trình từ khi xuất bò đi, việc di chuyển, chuồng trại, lưu nuôi cho đến khi tiến hành giết mổ. Đây là một bộ tiêu chuẩn đảm bảo quy tắc giết mổ nhân đạo mà mỗi nhà nhập khẩu đều phải tuân thủ. Khi doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế thì phía Australia họ mới xuất khẩu bò.
Bên cạnh đó, phía Australia cũng có hướng dẫn, tập huấn về các quy định cho các cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở giết mổ tại Việt Nam không tuân thủ quy định này.
Tại Việt Nam, các đơn vị trực tiếp liên quan như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đã phối hợp với đối tác phía Australia tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, cơ sở giết mổ... về mọi quy định liên quan đến ESCAS.
Đồng thời, Australia cũng cử các nhân viên của Hội về Vật quyền sang Việt Nam để điều tra, đánh giá mức độ vi phạm. Thời gian cấm của Australia phụ thuộc vào việc doanh nghiệp Việt Nam thay đổi và khắc phục như thế nào về các vi phạm đó.
- Vậy, đây có phải lần đầu tiên Australia phát hiện ra vi phạm này, thưa ông?
- Ông Tống Xuân Chinh: Việc Công ty Animex Hải Phòng vi phạm tiêu chuẩn ESCAS không phải là lần đầu tiên phía Australia phát hiện. Trước đó, tình trạng này đã từng xảy ra tại nước ta nhưng lần này Australia làm quyết liệt và tạm ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam. Trên thế giới cũng đã có nhiều nước vi phạm điều này như Ai Cập, Indonesia, Saudi Arabia... cũng bị Australia cấm xuất khẩu bò.
- Việc này ảnh hưởng như thế nào đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, thưa ông?
- Ông Tống Xuân Chinh: Bị ảnh hưởng và thiệt hại đầu tiên là doanh nghiệp Animex Hải Phòng. Nhưng quan trọng hơn là danh tiếng của Việt Nam liên quan đến việc vi phạm ESCAS là rất lớn. Về mặt kinh tế, hiện tại, thị trường trong nước chưa bị ảnh hưởng bởi chúng ta còn nhiều nguồn khác nữa vẫn đủ cung cấp trong một thời gian.
Tuy nhiên, sau đó nếu Việt Nam vẫn chưa được phép nhập bò từ Australia thì các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Bình Hà sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các doanh nghiệp này đã đầu tư rất lớn cho hệ thống chuồng, trại, cơ sở... Nếu chuồng trại không có bò để nuôi thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Trong khi đó, bò trong nước lại không đủ điều kiện nuôi vỗ béo như hệ thống chuồng, trại mà doanh nghiệp đã đầu tư. Đặc biệt, hiện nay bò giống trong nước cũng không đủ đáp ứng.
- Vậy có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này không, thưa ông?
- Ông Tống Xuân Chinh: Trước mắt, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người chăn nuôi, giết mổ, doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với người giết mổ phải được cấp chứng chỉ về nghề này nhằm tuân thủ quy định đối với nước xuất khẩu bò.
Bên cạnh đó, các cơ quan như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y phối hợp chặt chẽ với phía Australia tăng cường trao đổi về tiêu chuẩn ESCAS. Từ đó, phổ biến lại cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi một cách rộng rãi.
Về mặt pháp luật, quy định về giết mổ động vật nhân đạo đã được Việt Nam đưa vào Luật Thú y năm 2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016. Tuy nhiên Luật này mới chỉ đưa ra nguyên tắc khái quát chung. Do đó, cần phải có quy định cụ thể hơn, đặc biệt là các quy định kỹ thuật về ESCAS. Bên cạnh đó, sớm ban hành các nghị định, thông tư, xây dựng điều kiện về cơ sở giết mổ. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ. Nếu giết mổ bò Australia thì phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn ESCAS.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp để có một Hiệp định thú y với các nước có nguồn bò lớn tại Nam Mỹ, các nước có điều kiện tự nhiên tương đồng như Việt Nam. Từ đó, chủ động nhập bò từ các nước đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động được nguồn giống.
- Ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước?
- Ông Tống Xuân Chinh: Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn bò giống tại nhiều nước trên thế giới. Từ đó, cho sinh sản tại Việt Nam hoặc lai tạo với bò trong nước. Điều này còn hạn chế được rủi ro về dịch bệnh. Đặc biệt, nếu bò sinh sản tại Việt Nam thì sẽ không phải tuân thủ theo quy định của các nước xuất khẩu bò đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu bò non về nuôi rồi mới giết mổ, như vậy mới tạo giá trị gia tăng cao.
- Xin cảm ơn ông!