Theo trang mạng abc.net.au/ft.com, Australia đang đầu tư 2 tỷ USD cho một tàu phá băng mới ở Nam Cực - khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử nước này tại đây.
Tàu phá băng với tên gọi RSV Nuyina - bắt đầu ra khơi hồi tháng 9 vừa qua - ngoài nhiệm vụ hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu khoa học của Australia tại Nam Cực còn mang trên mình trọng trách khác: bảo vệ tới 42% lãnh thổ Australia ở lục địa băng giá này, nơi các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện của mình.
Vai trò của Australia ở Nam Cực?
Theo Cục Nam Cực Australia, lãnh thổ ở Nam Cực của Australia vô cùng rộng lớn, với diện tích đạt 5,9 triệu km2, chiếm gần 80% diện tích Australia. Australia có 3 trạm nghiên cứu quanh năm ở Nam Cực và 1 trạm trên đảo Macquarie, đồng thời đã thực hiện hàng chục chương trình nghiên cứu khoa học tại đây.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chuyên gia về Nam Cực đã chỉ trích cam kết của Chính phủ Australia về những nỗ lực đang suy yếu của họ trên lục địa băng giá này, cả về vấn đề kinh phí lẫn sự chú tâm.
Chuyên gia Tony Press cảnh báo trong một báo cáo được Chính phủ ủy quyền năm 2014 rằng: “Vị thế của Australia trong các vấn đề ở Nam Cực đang bị xói mòn bởi sự thiếu hụt đầu tư trong bối cảnh nhiều ‘người chơi mới’ đang nổi lên ở đây. Sự lãnh đạo mà Australia tự khoác lên mình thông qua khoảng cách địa lý gần gũi, lịch sử và kinh nghiệm, hiện có nguy cơ suy giảm.”
Những người chơi mới là ai và họ đang làm gì ở đó?
Ngoài Australia, 5 quốc gia khác tuyên bố chủ quyền ở Nam Cực bao gồm Argentina, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Vương quốc Anh.
Bên cạnh đó, có không ít quốc gia khác cũng đang sở hữu các trạm nghiên cứu ở Nam Cực cũng như tham gia vào nhiều dự án khoa học chung.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc và Nga đều là những quốc gia đã tăng cường sự hiện diện của họ ở châu Nam Cực.
Theo một báo cáo của Anne Marie Brady, chuyên gia về Trung Quốc và Nam Cực tại Đại học Canterbury ở New Zealand, Trung Quốc nói riêng đã trở thành “người chơi hàng đầu” chỉ trong vòng 10 năm qua và hiện đang tập trung vào lục địa này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Phần lớn hoạt động của Trung Quốc diễn ra bên trong lãnh thổ Nam Cực của Australia.
Theo tiến sỹ Brady, Trung Quốc hiện có 3 căn cứ, 2 trạm nghiên cứu và 3 sân bay tại Nam Cực. Ngoài ra, theo trang mạng ft.com, nước này cũng vừa thông báo sẽ bắt đầu xây dựng cảng hàng không đầu tiên của mình ở Bắc Cực vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, Nga có mối quan hệ lịch sử lâu dài ở Nam Cực. Ngoài Mỹ và Anh, Nga cũng từng tuyên bố chính họ đã phát hiện ra lục địa băng giá vào năm 1820. Sự sụp đổ của Liên bang Xôviết đã gây thiệt hại đáng kể vào những năm 90 của thế kỷ XX và 3 trạm nghiên cứu của nước này ở Nam Cực đã phải đóng cửa.
Tuy nhiên, nước Nga hồi sinh lại một lần nữa đầu tư vào Nam Cực với trọng tâm là nghiên cứu khoa học và đặt máy thu vệ tinh.
Tại sao các nước để tâm đến Nam Cực?
Ngoài việc sở hữu một số kỳ quan thuộc về môi trường ngoạn mục nhất thế giới, Nam Cực còn là một địa điểm chứa đựng các nguồn tài nguyên chưa được khai thác - dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và khu vực đánh bắt cá rộng lớn - khiến nhiều quốc gia muốn giành lấy.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những quan điểm bất đồng giữa các nước muốn giữ vẻ đẹp nguyên sơ cho Nam Cực, như Australia và New Zealand, với những nước muốn khai thác tiềm năng của lục địa này, như Trung Quốc và Nga.
Theo tiến sĩ Brady, điều quan trọng hơn cả chính là Nam Cực đã trở thành một châu lục có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu. Điển hình là Trung Quốc và Nga đều đang muốn tận dụng Nam Cực để nâng cao tính chính xác cho hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của họ để cạnh tranh với Mỹ. Nam Cực chính là chìa khóa trong các kế hoạch chiến lược của họ bởi nơi đây cung cấp một vị trí lý tưởng để lắp đặt các hệ thống thu vệ tinh.
Bên cạnh đó, Brady cho rằng nền trật tự toàn cầu đang thay đổi đã khiến Nam Cực trở nên quan trọng về mặt chiến lược hơn bao giờ hết, và Trung Quốc đang phát triển các lợi ích quân sự không khai báo ở đó.
[Chuyên gia lo ngại về hiện tượng băng tan kỳ lạ ở Nam Cực]
Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của Nam Cực - và của Australia?
Hiệp ước Nam Cực năm 1959 không nhất thiết bảo đảm tuyên bố chủ quyền của Australia đối với lãnh thổ trên lục địa băng giá.
Trên thực tế, chuyên gia Daniel Bray của Đại học La Trobe nói rằng hiệp ước này "về cơ bản đã đặt sang một bên mọi tuyên bố chủ quyền của Australia nhằm tạo ra một (khuôn khổ) pháp lý để quản lý hoạt động của con người trên lục địa. Đây là lục địa duy nhất trên thế giới bạn có một lãnh thổ được quản lý mà không có chủ quyền."
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng hiệp ước đang bị đe dọa khi nhiều quốc gia sẵn sàng cạnh tranh để giành lấy những gì Nam Cực có thể cung cấp. Trong khi các nước đang hoạt động dựa trên giới hạn của hiệp ước hiện tại, họ cũng đang tích cực theo đuổi một Phương án B nếu hiệp ước sụp đổ.
Tiến sỹ Brady nói: “Nếu hệ thống quản lý đó bắt đầu lộ rõ (kết cục), điều này có thể rất tồi tệ đối với Australia. Australia không hề muốn cạnh tranh chiến lược ở biên giới phía Nam."
Vậy Australia đang làm gì?
Theo tiến sỹ Brady, Australia đã “bỏ qua hoặc hạ thấp rủi ro” ở Nam Cực, thay vào đó tập trung vào các vấn đề rủi ro an ninh ở phía Bắc nước này và vấn đề chính trị nóng liên quan đến những người tị nạn.
Trung Quốc và Nga đang bắt kịp nhịp độ ở Nam Cực, và có vẻ họ sẽ tiếp tục phát triển. Trong một báo cáo năm 2014 có tựa đề "Kế hoạch chiến lược Nam Cực của Australia trong 20 năm," chuyên gia Press cảnh báo rằng Australia có “rất ít cơ hội để củng cố lợi ích chiến lược và đảm bảo sự lãnh đạo của mình trong các vấn đề ở Nam Cực."
Chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull khi đó đã công bố sẽ đầu tư để chế tạo tàu phá băng mới - tốn nửa triệu USD chế tạo và 1,5 tỷ USD để vận hành và bảo trì - cũng như tài trợ 255 triệu USD cho chương trình Nam Cực. Tuy nhiên, nhiều người theo dõi chính sách ở Nam Cực cho rằng Australia vẫn tiến chưa đủ xa./.