Vì sao ACV không làm chủ đầu tư sửa đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam không đủ điều kiện để giao quản lý 2 dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế đẫn đến xuất hiện hư hỏng và mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để giúp đẩy nhanh thủ tục, Bộ Giao thông Vận tải sẽ là chủ đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Thông tin này nằm trong kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa qua.

Theo đó, Bộ trưởng Thể giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức quản lý dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Nội Bài; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) tổ chức quản lý dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Tổng giám đốc CIPM được giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn là Trưởng ban.

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng lý giải vì sao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không đủ điều kiện để giao quản lý 2 dự án trên.

[Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài khi nào được ''giải cứu''?]

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ACV có nhiều ưu điểm và nổi trội nhất như có đội ngũ cán bộ, kỹ sư có chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý dự án, nhất là dự án phải triển khai trong điều kiện vừa thi công, vừa phải bảo đảm khai thác.

“Tuy nhiên tại thời điểm này, ACV chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đơn cử như các cán bộ, kỹ sư chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án dẫn đến chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức quản lý dự án của ACV, do đó không đủ điều kiện để giao quản lý 2 dự án trên,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách quy định tại Điều 128, 130 Luật Xây dựng và Điều 42, 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP; khi đó có thể triển khai thi công vào tháng 7/2020, nhanh hơn khoảng sáu tháng so với thực hiện theo quy trình thông thường.

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa, là 1.876 tỷ đồng.

Đối với Cảng hàng không Nội Bài, nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là 2.276 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục