Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP, trong đó đề xuất xử lý vi phạm về quy trình vận hành liên hồ chứa với mức phạt hành chính có thể lên tới 500 triệu đồng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Tuy nhiên, qua gần 3 năm thực hiện, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, thực tiễn những vụ việc vi phạm vừa qua được phát hiện cho thấy các chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng còn chưa bảo đảm được tính răn đe. Ngoài ra, một số mức phạt tiền còn cao, dẫn đến chưa bảo đảm tính khả thi, các cơ quan ở địa phương không có thẩm quyền để xử phạt.
Do đó, tại dự thảo, Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, tách Điều 11 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP thành 7 điều quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến quy trình vận hành liên hồ chứa; vi phạm quy định về vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa; vi phạm quy định về vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ và đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa...
Theo dự thảo, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa được đề xuất từ 10 triệu đến 250 triệu đồng trong từng trường hợp vi phạm đối với cá nhân. Tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần cá nhân.
Cụ thể, cá nhân vi phạm một trong các hành vi như thực hiện không đúng việc quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn đúng tần suất và các thời điểm quy định; thực hiện bản tin dự báo không đúng các nội dung quy định sẽ bị phạt từ 10- 15 triệu đồng (mức thấp nhất).
Tương tự, mức phạt cao nhất từ 220-250 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi gia tăng lưu lượng xả, không đảm bảo mực nước tối thiểu của hồ chứa ở các thời điểm tiếp theo dẫn đến không đảm bảo đủ nước cấp cho hạ du cũng như gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và các đối tượng sử dụng nước khác phía hạ du.
Ngoài ra, mức phạt cao nhất cũng được áp dụng với các trường hợp vi phạm quy định về không đảm bảo thời gian xả trong mùa lũ quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa; vi phạm quy định về bảo đảm lưu lượng sau công trình trong mùa cạn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa../.