“Dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư với biến chủng mới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy và bảy tháng năm nay. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy chỉ tăng 1,8% so với tháng Sáu. Đây là mức tăng thấp nhất trong bảy tháng qua (trừ tháng Hai có số ngày làm việc ít nhất)."
Thông tin được công bố tại báo cáo kinh tế xã hội thường kỳ của Tổng cục Thống kê, ngày 29/7.
Về tỷ trọng tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong tháng Bảy, ngành khai khoáng giảm 8%, ngành chế biến-chế tạo tăng 2,9%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,7% và cung cấp nước, hoạt động quản lý-xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.
[TP Hồ Chí Minh ưu tiên chống dịch nhưng không 'quên' doanh nghiệp]
Tuy nhiên, tính chung bảy tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 (song thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019).
Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Báo cáo cũng cho biết chỉ số sản xuất tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch COVID-19, theo đó ở 7 địa phương chỉ số công nghiệp giảm và 12 địa phương tiếp tục tăng.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%, Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%, Đồng Tháp giảm 5,7%, Trà Vinh giảm 5,3%, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,9%, Bến Tre giảm 0,2%.
Một số địa phương vẫn duy trì được đà tăng như Bạc Liêu tăng 13,7% do sản xuất điện tăng 137,6% (bổ sung Nhà máy điện gió Đông Hải 1 hòa lưới điện tháng 2/2021, Nhà máy điện gió Công Lý, Nhà máy điện gió Hòa Bình hòa lưới điện tháng 3/2021); Bình Phước tăng 12,2% do sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,5%; Hậu Giang tăng 10,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 27,2%, sản xuất đồ uống tăng 76,4%; Kiên Giang tăng 8,8% do sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 69,5%, sản xuất điện tăng 14%...
Với Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh này cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số công nghiệp so với cùng kỳ năm trước của Bắc Giang lần lượt tháng 5 giảm 26,7%, tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%, giảm 8,6% và tăng 1,1%.
Riêng thành phố Hà Nội, chỉ số công nghiệp tháng Bảy tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước do mới thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021.
Ngoài ra, một số địa phương mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước là Bình Dương tăng 7,4%, Cần Thơ tăng 7,2%, Đồng Nai tăng 7,1%, Tiền Giang tăng 3,1%, Long An tăng 3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,3%, Đồng Tháp tăng 2,1%./.