VEPR: Tín dụng tăng nóng và nguy cơ hình thành bong bóng bất động sản

VEPR cảnh báo, tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất.
VEPR: Tín dụng tăng nóng và nguy cơ hình thành bong bóng bất động sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 3, trong đó nhấn mạnh đến tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa và có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.

Nền kinh tế đang hồi phục

Báo cáo nhận định, nền kinh tế đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đặt biệt là việc tham gia TPP và các hiệp định FTA khác sẽ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng trưởng 9,69%, cao vượt bậc so với cùng kỳ nhiều năm (2014 là 5,75% và 2013 là 4,88%).

Bên cạnh đó, chỉ số PMI sản xuất liên tục cao hơn ngưỡng 50 điểm, ngoại trừ tháng ​Chín do ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, mức điểm của Việt Nam (49,5) trong tháng ​Chín có thể coi là khả quan so với các nước trong khu vực: Indonesia (47,4), Singapore (48,6), Malaysia (48,3).

Chỉ số CPI tăng chậm trong chín tháng đầu năm, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng​ Chín. Đáng chú ý theo chu kỳ hàng năm, tháng ​Chín là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực giảm giá, vốn đóng góp tổng trọng số xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI, là tác nhân chính dẫn tới hiện tượng bất thường trong năm 2015.

Tuy nhiên, VEPR cũng lưu ý là xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang khá phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hóa và năng lượng, ví dụ Thái Lan (- 1,07%), Trung Quốc (2%), Singapore (- 0,8%), Phillipines (0,4%), Malaysia (3,1%).

Giá năng lượng suy giảm được cho là đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dự báo về giá năng lượng cho năm 2016-17 đều thuận lợi cho việc giữ ổn định mặt bằng giá trong nước.

Tăng trưởng tín dụng đang nóng

Theo VEPR, nhu cầu đang tăng cao trên thị trường vốn-tín dụng. Cầu tín dụng đã tăng nhanh trong 9 tháng qua. Tính đến tháng Chín, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% của cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.

VEPR cảnh báo, tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Cũng theo báo cáo của VEPR, trong quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá thêm 1% và điều chỉnh biên độ giao dịch từ 1% lên 3%. Các chuyên gia của VEPR cho rằng mặc dù đã điều chỉnh vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm nay, giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng thị trường.

VEPR: Tín dụng tăng nóng và nguy cơ hình thành bong bóng bất động sản ảnh 2Theo VEPR, cung tiền đang có dấu hiệu nới lỏng. (Nguồn: TTXVN)

Cầu USD tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước phải cung ứng một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời áp dụng các biện pháp xiết chặt việc mua ngoại tệ.

Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Quy định này cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi USD tuy có tác động làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ nhưng VEPR cho rằng cần thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy việc tiếp tục cam kết không điều chỉnh tỷ giá đến năm 2016 đã không định hướng được những kỳ vọng của thị trường sau sự kiện 11/8 (sự kiện phá giá của đồng Nhân dân tệ).

Cần ngăn ngừa bong bóng bất động sản

Dựa trên diễn biến tỷ giá và tăng trưởng tín dụng thời gian qua, VEPR khuyến nghị cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng, gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.

Bên cạnh đó, VEPR cảnh báo, cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt với mục tiêu cứng về mức điều chỉnh tỷ giá hàng năm không thành công trong việc dẫn dắt kỳ vọng thị trường, ngược lại làm suy giảm niềm tin của thị trường vào uy tín của nhà điều hành và tạo ra rủi ro chính sách lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo báo cáo VEPR, thị trường tài chính đã ổn định, cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn cho hoạt động thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

VEPR cho rằng, các quy định về kỳ hạn không thấp hơn 5 năm và đưa mức trần lãi suất phát hành của trái phiếu chính phủ không phù hợp đang gây méo mó thị trường, cản trở việc hình thành thị trường vốn nội địa. Việc trái phiếu kho bạc được phát hành thay cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài là một bước lùi trong việc việc phát triển thị trường vốn, đồng thời làm suy yếu khả năng kiểm soát cung tiền và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Cuối cùng, VEPR cho rằng để đạt được cân bằng cán cân ngân sách trung và dài hạn, cần tiết chế chi tiêu chính phủ khi nguồn thu ngân sách ít có khả năng được cải thiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục