VEPR: Hai kịch bản cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024

VEPR: Hai kịch bản cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024

Báo cáo của VEPR đã phân tích tình hình kinh tế Việt Nam với những tín hiệu tích cực xen lẫn những khó khăn, song quá trình phục hồi vẫn tiếp tục diễn ra với kỳ vọng sáng hơn cho nền kinh tế.

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, với những tín hiệu phục hồi hậu đại dịch đan xen với những bất ổn địa chính trị và lạm phát dai dẳng, Việt Nam nổi lên như một câu chuyện riêng, một hành trình phục hồi đầy năng động nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố cần lưu ý.

Đây là nhận định được đưa ra tại Báo cáo Kinh tế quý 3 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 15/10. Đáng chú ý, báo cáo đã "điểm mặt, chỉ tên" những điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế, với trọng tâm là tăng trưởng và khả năng thu hút vốn FDI.

Tìm hướng đi riêng

Qua phân tích từ báo cáo, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR đưa ra nhận định lạc quan rằng nền kinh tế đã cho thấy sức bật mạnh mẽ trong 9 tháng của năm 2024 và vượt xa kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chủ quan trước những biến động phức tạp của kinh tế toàn cầu và những tồn tại nội tại của nền kinh tế.

Theo báo cáo, kinh tế thế giới đang đầy biến động, trong đó Mỹ tiếp tục đối mặt với lạm phát dai dẳng và những bất ổn chính trị trước thềm bầu cử. Bên cạnh đó, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn hậu đại dịch COVID-19, giờ lại chật vật thêm với cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục. Trong khi đó, Trung Quốc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, nhưng những vấn đề trong thị trường bất động sản và sự phục hồi chậm của tiêu dùng nội địa khiến cho triển vọng kinh tế nước này vẫn còn nhiều ẩn số.

DSC_3132.jpg
Việt Nam tìm thấy hướng đi riêng, một hành trình phục hồi đầy năng động. (Ảnh: VEPR/Vietnam+)

Giữa bối cảnh đó, khu vực ASEAN+3 nổi lên như một điểm sáng với sự tăng trưởng ổn định, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Đáng chú ý, Việt Nam tìm thấy hướng đi riêng, một hành trình phục hồi đầy năng động. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm 2024 đạt 6,82%, vượt xa mức 4,4% cùng kỳ năm trước. Sự bứt phá ngoạn mục ghi nhận đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan là động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD, đây là mức khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt lưu ý chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch kết hợp với áp lực lạm phát trong nửa đầu năm, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của dòng vốn này.

Tốc độ phục hồi sản xuất của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực, chỉ số PMI tháng 7 và tháng 8 luôn ở mức trên 52 điểm. Do ảnh hưởng tạm thời của Bão Yagi, PMI tháng 9 giảm xuống dưới mức 50 điểm.

Một điểm nhấn báo cáo nêu ra, đó là thu ngân sách Nhà nước đã vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 (như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế), nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.

Nhân viên Samsung đang làm việc tại dây chuyền sản xuất điện thoại (2).jpg
Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD, đây là mức khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024. (Ảnh: Vietnam+)

Hai kịch bản, nhiều trăn trở

Hành trình phục hồi của Việt Nam dù tích cực, nhưng không phải không có những yếu tố cần lưu ý. Báo cáo của VEPR chỉ ra những thách thức đáng lưu tâm. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, khiến cho sự tăng trưởng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của kinh tế toàn cầu.

"Nếu kinh tế Mỹ và EU suy giảm hoặc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp," ông Việt phân tích.

Bên cạnh đó, cơ cấu thu ngân sách vẫn còn nhiều bất cập, phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ đất đai và xuất nhập khẩu, vốn là những nguồn thu không bền vững. Thêm nữa, nợ công trong nước tăng cao, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính. Vì vậy, ông Việt kiến nghị cần cải cách mạnh mẽ hơn để đa dạng hóa nguồn thu, tăng cường tính minh bạch và bền vững của ngân sách đồng thời có những biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều rào cản, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, báo cáo khuyến nghị cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân.

z4437789032066_65c5e3e25d03e589dca5bc6c578bf208.jpg
VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong quý 4 và cả năm 2024. Kịch bản lạc quan dự báo tăng trưởng 7% cho cả năm, trong khi kịch bản thấp đưa ra con số 6,84%. (Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo dành một phần quan trọng để phân tích về dòng vốn FDI, một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng giảm, Việt Nam vẫn duy trì được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự tăng trưởng của vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến-chế tạo, là một tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý các chính sách thu hút FDI cần hiệu quả hơn, trong đó tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Cụ thể là ưu tiên các dự án công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chín tháng của năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, cao hơn con số cả năm của giai đoạn 2018-2021.

Screenshot 2024-10-15 172146.png

Dựa trên những phân tích về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong quý 4 và cả năm 2024. Kịch bản lạc quan dự báo tăng trưởng 7% cho cả năm, trong khi kịch bản thấp đưa ra con số 6,84%.

"Dù là kịch bản nào, Việt Nam cũng cần phải nỗ lực hết sức để vượt qua những thách thức, duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế," ông Việt khẳng định.

Screenshot 2024-10-15 172124.png

Cũng theo báo cáo, dù còn những yếu tố cần lưu ý, song quá trình phục hồi vẫn tiếp tục diễn ra, mang theo kỳ vọng về một tương lai sáng hơn. Và để biến hy vọng thành hiện thực, báo cáo cho rằng cần có sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân.

"Chúng ta cần hành động quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả để vượt qua những thách thức, nắm bắt cơ hội, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên một tầm cao mới," ông Nguyễn Quốc Việt nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục